Xây phi trường Long Thành hại nhiều hơn lợi

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

SÀI GÒN  (NV) .- Dự án xây dựng phi trường Long Thành có nhiều thông tin, dữ liệu giả, cần loại bỏ, mặt khác phải xét lại việc Bộ Quốc Phòng đem đất của phi trường Tân Sơn Nhất cho thuê làm sân golf.


Phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn – nơi mà công ty quốc doanh CSVN dự báo là sẽ quá tải vào năm 2020. (Hình: Thời báo Kinh tế sài Gòn)

Đó là ý kiến của nhiều người am tường lĩnh vực hàng không nêu ra với Đoàn Đại biểu cho dân Sài Gòn tại Quốc hội CSVN.

Việt Nam dự tính sẽ khởi công xây dựng một phi trường quốc tế ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tiến trình xây dựng phi trường này sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2014 đến năm 2020. Giai đoạn hai từ năm 2020 đến năm 2030.

Kế hoạch xây dựng phi trường quốc tế Long Thành được soạn thảo cách nay khoảng 10 năm, sau khi có dự đoán rằng, phi trường Tân Sơn Nhất sẽ quá tải vào năm 2020. Khi hoàn thành, phi trường Long Thành sẽ có bốn phi đạo, công suất 100 triệu hành khách mỗi năm, gấp bốn hoặc năm lần công suất của phi trường Tân Sơn Nhất, có thể thay thế hoàn toàn phi trường Tân Sơn Nhất và trở thành phi trường trung chuyến cho các chuyến bay quốc tế qua khu vực Đông Nam Á.

Theo tính toán, chi phí đầu tư cho phi trường Long Thành vào khoảng 8 tỷ đô la và được cho là rẻ hơn chi phí mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất (cần khoảng 9 tỉ đô la).

Tại cuộc gặp Đoàn Đại biểu cho dân Sài Gòn ở Quốc hội Việt Nam, một cựu phi công, đồng thời từng là Cục phó Cục Tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội CSVN, khẳng định, các số liệu trong trong báo cáo nghiên cứu tính khả thi của dự án phi trường Long Thành là “không thể tin được” và những dự báo về nhu cầu, triển vọng của báo cáo này là “tào lao”.

Một tiến sĩ tên Nguyễn Thiện Tống, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không của  Khoa Kỹ thuật giao thông, trường Đại học Bách khoa Sài Gòn, nhận định, số liệu về sản lượng hàng không của phi trường Tân Sơn Nhất trong Niên giám Thống kê của Cục Thống kê Sài Gòn, từ năm 2005 đến 2012 khác hẳn số liệu được dùng trong báo cáo nghiên cứu tính khả thi của dự án phi trường Long Thành.

Theo số liệu của Cục Thống kê Sài Gòn, trong 8 năm qua, số chuyến bay quốc tế, số hành khách quốc tế và số lượng hàng hóa quốc tế đều giảm. Sự gia tăng số chuyến bay, hành khách và hàng hóa là do thành phần nội địa. Nếu dựa vào đó để tính toán thì đến năm 2015, số chuyến bay chỉ có 89,800, số hành khách chỉ chừng 11.4 triệu và số lượng hàng hóa chỉ là 302 ngàn tấn, không như dự báo trong báo cáo nghiên cứu tính khả thi của dự án phi trường Long Thành (báo cáo này cho biết, đến 2015, số lượng hành khách tăng lên tới 18.8 triệu và số lượng hàng hóa lên tới 458 ngàn tấn).

Ông Tống khẳng định, bộ phận lập dự án xây dựng phi trường quốc tế Long Thành đã cố tình phóng đại số liệu, tạo ra viễn cảnh phi trường Tân Sơn Nhất quá tải để thuyết phục kế hoạch xây dựng phi trường Long Thành. Bởi sự khác biệt giữa hai cách tính toán quá lớn, ông Tống khuyến cáo phải kiểm chứng lại sản lượng hàng không ở phi trường Tân Sơn Nhất để tránh lãng phí một khoản lớn khi cho phép xây dựng phi trường Long Thành.

Hồi tháng 8, từng có hai chuyên viên hàng không là ông Lê Trọng Sành (cựu Trưởng Phòng Quản lý phi trường Tân Sơn Nhất) và ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công), gửi một lá thư cho Thủ tướng CSVN, đề nghị hủy dự án xây dựng phi trường quốc tế Long Thành vì phí tổn quá lớn trong khi phi trường Tân Sơn Nhất vừa được mở rộng và nâng cấp, năng lực đã được cải thiện đáng kể.

Cả hai cho rằng, nếu nhu cầu trong tương lai lớn hơn hiện nay thì chỉ cần mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Bắc - nơi đang làm sân Golf Gò Vấp để đảm nhiệm chức năng quốc tế, phía Nam dành cho nội địa. Nếu được mở rộng về phía Bắc, phi trường Tân Sơn Nhất sẽ có diện tích gấp đôi sân bay Changi của Singapore, vốn là một phi trường lớn ở khu vực châu Á.

Ở cuộc gặp Đoàn Đại biểu cho dân Sài Gòn ở Quốc hội Việt Nam, nhiều người bày tỏ sự đồng tình với đề nghị của ông Sành và ông Tuấn. Rất nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ khi chế độ Hà Nội để mặc Bộ Quốc phòng đem 157 héc ta của phi trường Tân Sơn Nhất cho thuê làm sân golf 18 lỗ rồi dự tính chi 8 tỷ USD để làm phi trường Long Thành với lý do, mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất tốn tới 9 tỉ.

Họ chất vấn, tại sao lại dùng đất quốc phòng làm sân golf? Nếu phía Bộ Quốc phòng không có nhu cầu, tại sao không thu hồi đất đó dùng vào các mục tiêu công ích như mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất mà lại đem cho thuê làm sân golf? Sân golf thật ra  không sinh lợi, đầu tư sân golf về thực chất chỉ là kiếm đất xây dựng biệt thự, nhà hàng, khách sạn mà nhà cầm quyền có biết không? Nhà cầm quyền có biết nếu có sân golf thì chủ đầu tư sẽ phải dung một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, lượng thuốc này sẽ làm môi trường ô nhiễm trầm trọng hay không?

Chưa rõ chế độ Hà Nội sẽ nghe bên nào: Các chuyên gia hàng không và dân chúng hay Tổng công ty Cảng hàng không quốc doanh.

Chấp thuận kế hoạch xây dựng phi trường Long Thành không chỉ khiến Việt Nam mất 8 tỉ USD. Theo một báo cáo của tỉnh Đồng Nai, nếu thu hồi 5,000 héc ta đất cho dự án phi trường Long Thành, chính quyền sẽ phải thu hồi đất của 5,400 gia đình, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sinh kế của 17,000 người. (G.Đ)

Nguồn: Người Việt

Filed under: