Dương Chí Dũng tham ô hàng triệu đô la, tặng nhà cho bồ nhí

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

HÀ NỘI (NV) .- Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty quốc doanh tàu biển Vinalines và 3 thuộc cấp, vừa bị cáo buộc thêm tội “tham ô tài sản”.


Ụ nổi (đồ phế thải) dài hơn 180 m, rộng hơn 30 m được Vinalines mua về giờ 'đắp chiếu' tại Cảng Gò Dầu (Long Thành, Đồng Nai) nhưng nhà nước vẫn phải thanh toán các chi phí lên tới gần một tỷ đồng mỗi tháng. (Hình: Giáo Dục VN)

Vụ án Dương Chí Dũng và đồng bọn hứa hẹn nổi bật nhất sau vụ án Phạm Thanh Bình và tập đoàn đóng tàu Vinashin, phơi trần hệ thống kinh tài quốc doanh CSVN lời giả lỗ thật vì đám quan chức của chế độ chỉ giỏi mánh mung để tìm cách ăn cắp, ăn hối lộ bỏ túi riêng.

Không riêng gì người dân trong nước, dư luận quốc tế cũng chú ý nhiều đến vụ án. Cả hai vụ án này chỉ là những phần nổi nhỏ bé của tảng băng sơn chìm dưới mặt nước hiện chưa bị bươi móc ra vì còn được bao che. Tổng số nợ xấu mà hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang ôm lên hàng trăm ngàn tỉ đồng, nếu mổ xẻ tới nơi tới chốn, người ta sẽ thấy còn kinh hoàng đến đâu.

Theo những gì được xì ra trên mặt báo, chỉ riêng một “phi vụ” mua ụ nổi (floating dock) cho một dự án sửa chữa chữa tàu biển năm 2006, ông Dương Chí Dũng, 56 tuổi, đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 335 tỉ đồng, theo ước tính năm ngoái sau khi ông và một nhóm người cầm đầu Vinalines bị bắt.

Một cái ụ nổi quá cũ bị Nga (mua của nhà sản xuất Nhật) phế thải, giá bán sắt vụn hơn $2 triệu, nhưng các trò phù phép giấy tờ chứng nhận phẩm chất qua sự toa rập của cơ quan đăng kiểm, với sự thông đồng của một số công ty môi giới (để chia tiền hối lộ) của Singapore, giá mua nó trở thành $9 triệu. Lúc đầu tính toán sửa ở ngoại quốc rồi đưa về Việt Nam, nhưng sau đó, các quan đã ma mãnh thuê chở về Việt Nam sửa lấy, đội tất cả mọi chi phí lên thành hơn 525 tỉ đồng hay hơn $24 triệu. Giá mua một ụ nổi mới thời gian đó chỉ khoảng $17 triệu.

Theo quy định của nhà nước CSVN, các công ty quốc doanh không được mua các trang bị, máy móc cũ quá 15 tuổi. Cái ụ nổi nói trên, khi làm thủ tục mua, đã 41 tuổi.

Theo sự tiết lộ trên các báo ở trong nước, cái “phi vụ” mua ụ nổi này, nhóm người cầm đầu Vinalines được công ty môi giới Addpower Ventures Singapore “lại quả” $1.666 triệu(hay hơn 28 tỉ đồng) . Để chuyển tiền về Việt Nam, Trần Hải Sơn (phó trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi) mượn trương mục công ty Phú Hà của người chị ruột, nhận tiền để chia nhau.


Nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, nguyên chủ tịch Đồng Đồng Quản Trị, tổng giám đốc Công ty tàu biển Vinalines bị truy tố 2 tội là "Cố ý làm trái..." và "tham ô tài sản". (Hình: Tuổi Trẻ)


Ông Dương Chí Dũng (khi đó là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Vinalines) được chia 10 tỉ đồng, ông Mai Văn Phúc (Tổng giám đốc Vinalines) được chia 10 tỉ đồng. Ông Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc Vinalines kiêm trưởng ban quản lý dự án) chỉ được chia 340 triệu đồng trong khi ông Sơn lại được chia tới 5.8 tỉ đồng.

Số tiền Vinalines dùng để mua ụ nổi là tiền vay ngân hàng, hiện nay Vinalines vẫn phải trả tiền lời trong khi nó hiện vẫn phơi mưa phơi nắng, rỉ sét dần, không dùng được vào việc gì, bán cũng không ai mua.

Năm ngoái, ông Dương Chí Dũng và 9 người nữa liên quan tới vụ mua ụ nổi bị truy tố tội “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng...”. Nay ông và những người được chia tiền bị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản” mà bản án, có thể không ít hơn bản án 20 năm của ông Phạm Thanh Bình, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Vinashin.

Ngày 18/5/2012, Cơ quan điều tra Bộ Công an cử người đi bắt theo lệnh khởi tố tội “Cố ý làm trái” thì không thấy ông Phạm Thanh Bình ở đâu, dù là sở làm hay ở nhà. Nếu không có tay trong ngay ở Bộ Công An, ông ta không thể biết để đi trốn dù ngày hôm trước người ta vẫn thấy ông đi làm bình thường.

Đến ngày 5/9/2012 thì có tin bắt được Dương Chí Dũng nhưng bộ Công An không tiết lộ ở đâu. Hãng thông tấn ngoại quốc AP nói bắt ở Cam Bốt. Sau đó, sang đến đầu đầu năm nay, nhiều ông công an ở Hải Phòng đã bị bắt giam vì liên quan đến “đường dây” giúp ông chạy trốn. Trong đó có ông đại tá Công an Dương Tự Trọng, em ruột ông Dương Chí Dũng. Khi lập kế hoạch giúp anh đi trốn, ông Trọng là phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan điều tra Sở Công An Hải Phòng, sau đó đã chạy về Bộ Công An làm chức “Cục phó Cục Cảnh sát Quản Lý hành chính và trật tự xã hội”.

Ông Dương Chí Dũng chỉ mới được ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định bổ nhiệm vào chức vụ Cục trưởng Cục Hàng Hải thuộc bộ Giao Thông Vận Tải ngày 6 tháng Hai 2012 sau một thời gian dài từ tổng giám đốc lên làm chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines.

Sau khi bắt hụt ông này, nhiều nghi vấn nổi lên về tại sao ông ta biết trước mà chạy trốn đến việc bổ nhiệm ông vào chức Cục trưởng dù trước đó, đã có khá nhiều lời xì xèo liên quan đến các cuộc điều tra   về hoạt động của Vinalines.

Ông thủ tướng ra lệnh cho các cơ quan bên dưới phúc trình về lý do bổ nhiệm một người như thế nhưng chính ông lại là người ký “quyết định” bổ nhiệm. Các bộ như Giao Thông Vận Tải, Bộ Nội Vụ, Thanh Tra đều thanh minh là mình làm “đúng quy trình” bổ nhiệm cán bộ. Riêng ông bộ trưởng GTVN Đinh La Thăng thì lộ ra rằng việc đưa ông Dương Chí Dũng về Bộ GTVT là để tránh xào xáo nội bộ, “mất đoàn kết” ở hãng quốc doanh tàu biển và “để cứu Vinalines”.

Trong giai đoạn ông Dương Chí Dũng làm tổng giám đốc rồi lên làm chủ tịch HĐQT, các con số thống kê cho thấy,  Vinalines đã mua tổng cộng 73 tàu vận tải biển với trị giá 22,850 tỉ đồng, phần lớn là tàu cũ gồm cả tàu phế thải mua ở ngoại quốc. Chúng đều được đánh giá là “không phù hợp với chiến lược phát triển” nhưng các quan vẫn cứ làm. Mua như vậy, đội giá lên, giống như mua ụ nổi, các quan được lại quả những số tiền lớn, không thấy cơ quan điều tra nói gì đến các “phi vụ” đó.

Một số tàu chạy đường quốc tế không đủ tiêu chuẩn an toàn hàng hải đã bị một số nước phạt. Có tàu không trả được tiền phạt, bị giữ lại. Tàu Vinalines Global bị phạt $1.8 triệu, tàu Hoa Sen nếu muốn đưa về nước phải trả tiền bão lãnh tới $4.5 triệu. Thủy thủ đoàn thì bị bỏ đói, kêu cứu thảm thiết.

Hiện Vinalines đang ngập đầu trong nợ nần và lỗ lã nên nhà cầm quyền trung ương Hà Nội đang cố cứu bằng cách xé nhỏ công ty này, chỉ cho giữ lại một số tàu. Một số công ty con  bị giải thể hay phá sản. Tuy nợ ngập đầu không trả được nhưng những năm qua, công ty này vẫn công bố “lãi” từ “khoảng 550 tỉ đồng đến 1,600 tỉ đồng”.

Theo một bản tin hồi tháng 5 năm ngoái, trong khi chưa bắt được Dương Chí Dũng, Thanh Tra Chính Phủ CSVN nói Vinalines chỉ có lãi ở hai năm 2007 và 2008, còn “đến năm 2009 và 2010, doanh nghiệp này lần lượt lỗ hơn 412 tỉ và gần 1,274 tỉ đồng”.

Hiện công ty mẹ Vinalines chính thức nợ số tiền $321 triệu  nhưng nếu tính cả các số nợ của các công ty con của tổng công ty này thì “lên tới hàng tỉ USD”. Các công ty con của Vinalines đang nợ tổng cộng $2.96 tỉ mà ba phần tư là tiền vay của các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nước ngoài.

Ông Dương Chí Dũng ra khỏi Vinalines nhưng để lại đó một núi nợ và một đống tài sản không còn nhiều giá trị. Cuối cùng thì người dân phải è cổ gánh nợ cho những việc làm bậy của các quan quốc doanh.

Theo một số báo ở Việt Nam cho hay ông Dương Chí Dũng đã dùng các số tiền tham những mua cho “bồ nhí” hai căn hộ ở các tòa nhà sang trọng tại Hà Nội. Bà “bồ nhí” được mô tả là “xinh xắn, trắng trẻo” P.T.Th. có con với ông và được ông cho 2 căn hộ cao cấp trị giá khoảng 20 tỉ đồng (hay khoảng $1 triệu). Vợ chính thức của ông là bà Phạm Thị Mai Phương, 54 tuổi, đang sống một mình tại một căn nhà 4 tầng trên phố Nguyên Hồng, Hà Nội. Ba người con gái của họ đã có gia đình, ở riêng.

Hiện chưa thấy tin tức cho hay vụ án này khi nào được đem ra xét xử dùng được coi là một trong 10 vụ án “cộm” nhất.

Các định chế tài trợ quốc tế năm nào cũng đốc thúc chế độ Hà Nội cải tổ thật sâu rộng hay giải thể guồng máy kinh tài quốc doanh hay đảng đoàn nhưng chúng vẫn được coi là “chủ đạo” của nền kinh tế. (TN)

Nguồn: Người Việt

Filed under: