SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII TN ( C) ( Lc 14, 25-33)

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

TU !

Kính thưa quý vị ! Lời của Chúa Giêsu theo thánh Luca ( Lc 14,25-33) hôm nay, cũng theo chất liệu như trước đây, lập lại một sứ điệp là điều kiện hay là quy chế để được đi theo Chúa Giêsu. Đó là những câu (Lc 9, 23-27, 57-62). Và để hiểu rõ hơn đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta xem lại đoạn trên (Lc 14, 26-24).

Vâng ! Quả thật, nếu Nước Trời là trần gian đây, thì Lời của Chúa Giêsu dạy hôm nay chẳng có ý nghĩa gì ? Vì cuộc sống mà Chúa Giêsu đòi hỏi phải bỏ tất cả, thì còn gì là cuộc sống nữa.! Vâng , đây là những Lời đầy thách thức, đầy sự chọn lựa, đầy cân nhắc , đầy suy tư, đầy toan tính.

Một sự đòi hỏi dứt khoát, quyết liệt, không do dự, không quanh co ,úp mở. Vâng, đúng vậy, trước và sau Chúa Giêsu, có vị môn sư nào mà không đòi hỏi môn đệ mình như vậy. Thể chế nào, đảng phái nào, môn phái nào, sư phụ nào mà không có một nội quy, hay quy chế cho môn sinh, hay đảng viên của mình.

Như vậy, điều nầy có thể hiểu như một tu luật của Thầy Giêsu dành cho môn đệ của Người. Thật vậy, Chúa Giêsu đòi hỏi khắt khe và dứt khoát: " Ai muốn theo tôi , mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, bạn hữu và những gì mình có, thì không đáng làm môn đệ tôi ".( Lc 14,26).

Theo đó, tại sao phải từ bỏ và Chúa Giêsu đòi hỏi phải từ bỏ khi đến với Người? Mới nghe qua, tưởng chừng như Chúa Giêsu khắt khe vô lý. Nhưng, chúng ta thử suy nghĩ xem, nếu tranh giành tất sẽ có kẻ thua, người thắng và xã hội loài người , tức trần thế sẽ bị diệt vong, vì: " Cao nhơn tất hữu cao nhơn trị ", " Vỏ quýt dầy , có móng tay nhọn ". Nếu, chúng ta không biết từ bỏ, thì chúng ta sẽ ôm đồm những thứ không dẫn đến sự sống. Và như vậy, không đáng làm môn đệ của Chúa Giêsu, vì Người là Đấng Hằng sống.

Chúa Giêsu đòi hỏi đặt Người trên tất cả là chí phải ,bởi vì có phàm nhân nào vượt trên Người. Việc đòi buộc cách triệt để, khi bước theo Chúa là hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ, nếu làm việc chung mà nghĩ đến việc gia đình thì sẽ loạn mất, và không một tổ chức nào tồn tại khi những thành viên trong tổ chức ấy đều bị chi phối bởi gia đình mình.

Từ câu Lời Chúa trên cho thấy một thực tế được hiểu nhầm rằng: "Theo Đạo Công giáo thì bỏ ông bà, cha mẹ". Nhưng ý nghĩa Lời Chúa không dạy sự bất hiếu, bất trung, bất kính với ông bà , cha mẹ, mà là biết hy sinh ý riêng tư, biết dẹp hãm những sự tầm thường của thế gian, để đặt Chúa trên tất cả, vì Người xứng đáng như thế. Vì những gì, Chúa đòi từ bỏ là những gì không thuộc về siêu nhiên vĩnh cửu, mà chỉ thuộc về tự nhiên. Nên chi, sự đòi buộc trên là không vô lý, trái lại dẫn đến một thực tế vô cùng hữu ích cho nhân loại, vì mọi người một khi đã quy hướng về Thiên Chúa thì tất cả sẽ được no thỏa trong Thiên Chúa. Vì sự từ bỏ ở đây để làm theo ý Chúa, chứ không phải từ bỏ cha mẹ và người thân để làm theo ý mình. Vì một khi đi theo Chúa Giêsu là phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Hay nói cách khác, việc từ bỏ người thân, đồng nghĩa với thập giá. Như vậy, vác thập giá hằng ngày có nghĩa là phục vụ vô vị lợi những người thân yêu qua Chúa Giêsu. Điều đó có nghĩa là tôi chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi sự, và trong mọi người không phân biệt là người thân hay sơ. Sự từ bỏ ở trên là sự từ bỏ làm theo ý riêng của người thân và của chính mình để thực thi ý Chúa, vì vác thập giá chính là từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa. Chứ không phải từ bỏ cha mẹ, và người thân để đói khát khổ sở, còn mình thì cứ hưởng thụ theo ý riêng. Điều đó có nghĩa là từ bỏ điều riêng để làm theo điều chung.

Ý nghĩa thứ hai của đoạn Tin Mừng cũng là sự từ bỏ. Theo đó, việc đi theo Chúa Giêsu không phải là chuyện đơn giản, vẫn có nhiều người bỏ cuộc giữa chừng. Vì cuộc đời bước theo Chúa Giêsu là một chặng đường cam go, nếu không biết từ bỏ tất cả thì không thể bước theo Chúa được. Vì vậy, điều kiện duy nhất Chúa đặt ra là phải từ bỏ tất cả. Như vậy, trước khi muốn được bước theo Chúa cũng cần suy tính thật kỹ càng, tương tự như những công việc của trần thế, phải bình tĩnh cân nhắc, vì những công việc trần thế, nếu muốn bắt tay vào làm việc cũng phải cần xây dựng kế hoạch cụ thể, để không bị dỡ dang.

Theo đó, cuộc đời bước theo Chúa Giêsu có nhiều hình thức để chọn lựa. Nhưng dù hình thức nào, đã mang lấy Tánh Danh Kitô hữu thì Lời Chúa hôm nay là một tu luật cho tất cả. Vì ai mang danh Kitô hữu là một người tu sĩ rồi, bởi vì Chúa Giêsu là "Con Đường" dạy người ta tu.

Theo phẩm trật thì, người ta phân biệt là giáo dân và giáo sĩ, nhưng những ai được gọi trở nên môn đệ của Đức Kitô đều là tu sĩ giữa thế trần. Chỉ khác nhau là tu sĩ có phẩm trật và tu sĩ không phẩm trật. Vì phàm những ai trở nên Kitô hữu là người ấy được đóng ấn của Chúa Kitô. Sẽ trở nên Chi Thể của Người, nhưng không phải tất cả được kêu gọi sống đời Thánh hiến độc thân. Vì vậy, nên chi những ai được kêu mời trở nên Kitô hữu là trở nên thánh, nhưng trên con đường "ấy" đòi hỏi nhiều hy sinh. Vì lẽ ấy , cho nên không còn cách nào khác khi bước theo Đức Kitô là phải từ bỏ tất cả, ngay cả mạng sống mình. Người ta có quyền từ chối hay dấn bước, nhưng phần thưởng chắc chắn thuộc về những ai can đảm bước theo Người./.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con biết từ bỏ mọi sự để bước theo Chúa, xin cho chúng con can đảm từ bỏ tất cả, trong đó có tội lỗi, dục vọng, đam mê. Nhưng Chúa đứng trên tất cả, xin cho chúng con biết chọn Chúa và trung thành bước theo Người, vì chỉ có Chúa mới là hạnh phúc đích thực của đời chúng con ./. Amen

 

03/09/2013

P.Trần Đình Phan Tiến.

Filed under: