THÁNH EDITH STEIN (1891-1942)

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

alt
Viên ngọc qúy giữa đêm thu
Tỏa lan ánh sáng trong tù tối tăm
Sáng như một ánh trăng rằm
Không hề lịm tắt qua năm tháng dài
Bốn bề đầy dẫy chông gai
Không làm Edith Stein ngã lòng
Từng lời "chân lý" sáng trong
Làm quân phát xít ngọng cong lưỡi vào
Tâm hồn xuất chúng thanh tao
Gốc người Do Thái học cao lẫy lừng
Thuộc làu Tân Ước Tin Mừng
Tìm về chân lý không ngừng vươn cao

Nàng xin đổi đạo tìm vào
Trong Kitô Giáo hồn trào bình minh
Đọc trong tự thuật chân tình
Têrêsa Cả cho mình ngộ ra
Bao la tình Chúa bao la
Đưa ta vào cõi hoan ca vô cùng
Giáo sư triết học lẫy lừng
Công danh bỏ lại nửa chừng đi tu
Bao nhiêu sự nghiệp mặc dù
Bao nhiêu quyển sách bội thu chẳng màng
Bao nhiêu mời gọi cao sang
Bao nhiêu ong bướm lời vàng là chi
Bỏ ngang giữa tuổi xuân thì 
Nàng vô dòng kín chỉ vì tình Cha
Cha là chân lý truyền ra
Cha là sự thật đời ta do Ngài
Con là khí cụ Ngài sai
Đến nơi khốn khó chông gai ngại gì
Đưa lời chân lý từ bi
Nói lên "lẽ thật" sợ chi ngục tù
Hitler phát xít trả thù
Trại Auschwitz ngu mù xú danh
Giết người hàng loạt cho nhanh
Thả ra hơi ngạt hôi tanh khốn cùng
Khoảng hơn ba triệu hãi hùng
Vì lời bênh vực chịu chung án hình
Lời kinh yêu chuộng hòa bình 
Viên Ngọc tỏa sáng quang vinh muôn đời.
Trầm Hương Thơ 09.08.2013 
Kính thánh Edith Stein (Viên ngọc tuyệt vời)

 
Sơ lược tiểu sử
 
Sinh ngày 12 tháng Mười 1891 trong một gia đình Do Thái ở Breslau, nước Ðức, ngay từ nhỏ Edith Stein đã chứng tỏ năng lực học hỏi lạ thường.
 
Học tại Ðại Học Freiburg và lấy bằng tiến sĩ ưu hạng về triết. Sau đó ngài là giáo sư phụ tá và là cộng tác viên của Giáo Sư Husserl, cha đẻ của hiện tượng học và cũng là người có ảnh hưởng lớn đến tư duy của thánh nữ.
 
Trong tất cả các ngành học hỏi, Edith Stein không chỉ tìm kiếm chân lý mà còn đi tìm chính Chân Lý và ngài đã tìm thấy ở Giáo Hội Công Giáo sau khi đọc tự truyện của Thánh Têrêsa Avila. Edith Stein được rửa tội vào ngày đầu năm 1922.
 
Edith Stein, một nữ tu Camêlô thánh thiện, một triết gia uyên thâm và một văn sĩ sáng giá, không những ngài có ảnh hưởng lớn ở thời ấy mà ngày nay, ảnh hưởng ấy đang lan tràn trong giới triết gia và trí thức ở Ðức cũng như trên toàn thế giới. Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai coi Thánh Giá là di sản, và cuộc đời ngài được dâng hiến cho sự đau khổ và bách hại của dân tộc Do Thái.
 
Các sáng tác của Sơ Têrêsa Bênêđícta có đến 17 tập, phần lớn đã được dịch sang Anh ngữ. Là một phụ nữ chính trực, ngài theo đuổi chân lý mà bất cứ đâu chân lý đưa đẩy đến. Sơ Josephine Koeppel, O.C.D., người đã dịch vài cuốn sách của Sơ Têrêsa Bênêđícta, nhận xét tổng quát về vị thánh này như sau, ngài "học biết cách sống trong bàn tay Thiên Chúa."
 
Vào ngày 1 tháng Năm 1987, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Sơ Têrêsa Bênêđícta, và sau cùng sơ được phong thánh ngày 11 tháng Mười 1998.
 
Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Vì Edith Stein là người Do Thái nên cùng với người chị là Rosa và những người Công Giáo cũng như Do Thái khác bị đưa từ Hòa Lan đến trại tập trung Auschwitz, là nơi ngài chết vì hơi ngạt. Ngày nay, chúng ta tưởng nhớ ngài với lòng tôn trọng sâu xa. Một vài ngày trước khi bị trục xuất, người phụ nữ đạo đức này đã gạt bỏ vấn đề được cứu nguy: 'Ðừng làm như vậy! Tại sao tôi phải được miễn trừ? Không đúng sao khi tôi chẳng được ích gì từ bí tích Rửa Tội? Nếu tôi không thể chia sẻ số phận với anh chị em của tôi, đời sống của tôi chắc chắn bị tiêu diệt'."

Filed under: