Nông dân Việt Nam bị buộc phải hy sinh mọi thứ

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

HÀ NỘI 30-6 (NV) .- Nông dân là giới luôn phải trả giá cho cái gọi là "tiến trình phát triển" tại Việt Nam song không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ tiến trình này.

CuopDa
Nông dân khắp nơi bị nhà cầm quyền địa phương cướp đấ rồi đền bù bằng những số tiền rất nhỏ. Họ khiếu kiện ở địa phương thì bị lờ đi nhưng giắt nhau về kiện cáo ở trung ương cũng chẳng được thương xót. Ngày ngày họ biểu tình với các biểu ngữ ở Hà Nội. (Hình: blog Tễu)


Gần đây, nhiều chuyên gia về nông nghiệp, nông thôn và nông dân liên tục lên tiếng cảnh báo về tình trạng bi đát của nông dân Việt Nam.

Nông dân chiếm tới 70% dân số Việt Nam. Nông thôn được xem một trong những yếu tố cấu thành nền tảng xã hội. Nông nghiệp được xem là "trụ đỡ cho nền kinh tế". Tuy "phát triển tam nông" (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) được xem là quốc sách nhưng nhà cầm quyền CSVN không thèm quan tâm.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho rằng, nông dân bị đối xử thiếu công bằng. Những gì họ đóng góp và bị lấy đi quá lớn so với những gì trả lại cho họ.

Ông Sơn phân tích, nông nghiệp đóng góp 20% cho GDP, tạo việc làm cho 50% lao động tại Việt Nam, song tỷ trọng ngân sách đầu tư cho nông nghiệp chưa đến 10%, chi tiêu dành cho nông nghiệp chỉ chiếm 10% trong tổng chi ngân sách. Nông dân bị buộc phải hy sinh để bù đắp cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng và tiếp sức để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Sơn, đất đai là thứ tài nguyên duy nhất mà nhà nước Việt Nam giao cho nông dân nhưng 61% nông dân có chưa đầy nửa héc ta. Sau đó, chính sách "công nghiệp hóa, đô thị hóa" tiếp tục lấy đi của nông dân nhiều thứ. Tuy rằng nông dân là giới trực tiếp đối diện và gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu nhưng 70% chi phí phòng chống thiên tai là do nông dân đóng góp. Bị vắt kiệt nên 40% nông dân kiệt sức, không thể gượng dậy sau khi thiên tai đổ xuống đầu họ.

Nông dân cũng là giới gánh chịu hậu quả của cạnh tranh thương mại bất bình đẳng, sức ép từ đô thị hóa nhưng khi đàm phán, hoạch định chính sách, nhà nước Việt Nam không quan tâm tới các hiệp định hỗ trợ nông dân. Không xây dựng và phát triển những dịch vụ nông nghiệp như tài chính, bảo hiểm, kiểm dịch, khuyến nông, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho lợi ích trực tiếp của nông dân.

Mới đây, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, Nông thôn vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát về nông thôn, nông dân, theo đó, có tới 42% nông dân không hài lòng với cuộc sống hiện tại vì thu nhập không tương xứng với kết quả lao động.

Ngoài thu nhập và khả năng tích lũy thấp, kết quả khảo sát còn cho thấy, 50% gia đình nông dân là nạn nhân các "cú sốc thu nhập", bao gồm các "cú sốc tập thể" (cả làng, cả huyện, cả tỉnh cùng bị như thiên tai, dịch bệnh, giá cả bất ổn) và "cú sốc cá nhân" (gia đình có người qua đời, đau ốm, kinh doanh thua lỗ, bị thu hồi đất). Các loại cú sốc có khuynh hướng gia tăng, nhất là "cú sốc tập thể" (thiên tai nhiều hơn, mức độ tàn phá mạnh hơn, giá cả đầu vào tăng nhưng nông sản, thủy sản làm ra không bán được hoặc bán dưới giá thành).

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, Nông thôn, nhận xét, khả năng chống đỡ các cú sốc của nông dân đã giảm đáng kể. Cách chống đỡ phổ biến nhất chỉ là tự "thắt lưng buộc bụng".

Tuy kết quả cuộc khảo sát cho thấy, nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam đang trong giai đoạn hết sức u ám nhưng bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, nói rằng, màu sắc thực trong bức tranh về nông thôn và đời sống nông dân còn "xám" hơn nhiều so với báo cáo. (G.Đ.)

 

Filed under: