Ngày Gia Ðình VN Và Bức Tranh Thực Tế

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

Ngày 28 tháng 6 hàng năm là Ngày Gia Ðình Việt Nam.

10-cau-hoi12Theo Wikipedia tiếng Việt: "Ngày Gia Ðình Việt Nam là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Phó thủ tướng chính phủ Việt Nam ký ban hành Quyết định 72/2001/QÐ-TTG [1] chọn ngày 28 tháng 6 hàng năm là Ngày Gia Ðình Việt Nam."

Có một thời nhà nước cộng sản không muốn đề cập nhiều đến tình cảm gia đình, tình cảm riêng tư của từng cá nhân.

Hậu quả là vai trò của gia đình như một tế bào xã hội bị xem nhẹ, các giá trị gia đình như lễ nghĩa, nếp ăn ở, ứng xử theo truyền thống đã được đơn giản hóa, "cách mạng hóa" đi nhiều và cho đó là tiến bộ.

Vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu nhiều khi bình đẳng quá mức, trẻ con bạo dạn lắm lúc thành ra hỗn hào.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, rất nhiều người miền Bắc vào Sài Gòn, vào trong Nam, ngạc nhiên nhận thấy con nít miền Nam phần đông rất lễ phép đi thưa về trình, nói với người lớn luôn vòng tay cúi đầu, dạ thưa. Trong gia đình, những người vợ ít khi lấn lướt chồng, con rể con dâu một lòng coi cha mẹ vợ, cha mẹ chồng như cha mẹ ruột... Ở trường thì quan hệ thầy trò đâu ra đó, học trò kính trọng, thậm chí sợ thầy cô một phép...

Sau nhiều năm dài nhà cầm quyền nhận ra cần phải khôi phục lại các giá trị cũng như vai trò của từng gia đình trong xã hội. Ngày Gia Ðình Việt Nam ra đời một phần có lẽ cũng vì vậy.

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, khi xã hội Việt Nam đã bị khủng hoảng toàn diện do hệ quả của một thể chế chính trị độc tài lạc hậu, với luật pháp trong tay nhà cầm quyền và đứng về phía kẻ mạnh, nhân quyền, nhân phẩm của con người không hề được coi trọng, với những điều trái tai gai mắt, phi lý, bất công đầy rẫy... thì từng cá nhân, từng gia đình cũng bị tác động, nhiều hay ít.

Sự lung lay của nền tảng gia đình không chỉ là chuyện tỷ lệ ly hôn tăng cao so với một vài thập niên trước, hay quan niệm thoáng hơn về hôn nhân trong một bộ phần giới trẻ-yêu không có nghĩa là cưới, là lập gia đình đàng hoàng, mà lắm khi chỉ cần sống với nhau, chán thì đường ai nấy đi. Nhiều bạn trẻ thậm chí cũng không muốn có con để hưởng thụ cuộc sống trước đã... Những điều này thì xã hội hiện đại nào dù Âu hay Á cũng đều có những thay đổi khá giống nhau.

Nhưng nền tảng của một gia đình bị lung lay tận gốc rễ, khi những tình cảm thiêng liêng nhất bị hủy hoại. Nếu theo dõi tình hình thực tế ở Việt Nam thì thấy những vụ án có tính chất bại hoại luân thường đạo lý, hoặc do người thân giết hại lẫn nhau ngày càng nhiều.

Từ những vụ giết người yêu vì ghen tuông, thậm chí giết người chỉ vì bị từ chối tình cảm cho đến những vụ án kinh hoàng do người trong gia đình, họ hàng gây ra.

Nào "Vụ cô giáo thiêu chết cả nhà anh chồng: Lời khai rùng mình của bị cáo" (báo Gia Ðình), "Gài mìn xe máy giết hai mẹ con chị dâu vì bị lăng mạ" (Báo Lao Ðộng), "Vợ trung tá CSGT đầu độc, giết chồng trong hai ngày đêm" (An Ninh Thủ Ðô), "Rùng mình hàng loạt vụ chồng thiêu chết vợ" (Việt Báo)," "Nhà báo bị vợ đốt: vụ án với quá nhiều hệ lụy đớn đau" (Dân Trí)...

Từ xưa đến nay bất hiếu vẫn bị coi là tội nặng nhất, thế nhưng những vụ con cái ngược đãi, bạo hành, thậm chí giết chết cha mẹ không còn là chuyện hiếm nữa: "Con đánh mẹ liệt giường đến chết" (Người Lao Ðộng), "Con trai rủ bạn về nhà đánh bố gãy tay để cướp" (VietNamNet), "Bàng hoàng vụ nghịch tử giết cả cha mẹ vì xin tiền không được" (An Ninh Thủ Ðô)...

Ngược lại, không ít người làm cha mẹ mà đối xử một cách vô trách nhiệm, tàn nhẫn với chính giọt máu của mình. Không ít những em bé sơ sinh, vì lý do này lý do khác, bị mẹ bỏ rơi hoặc giết chết ngay từ khi mới lọt lòng. Khi thì vứt vào thùng rác "Bé sơ sinh bị... vứt vào thùng rác" (Tuổi Trẻ), khi thì bỏ ngoài bụi cây "Cứu trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, kiến bu toàn thân" (VTC), "Xót thương bé 1 tháng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh bị bố mẹ bỏ rơi" (Dân Trí)...

Rồi những vụ lạm dụng tình dục trẻ do chính người thân, bố dượng hay tàn nhẫn hơn, cha ruột gây ra: "Cha dượng đồi bại hãm hiếp con riêng 6 tuổi của vợ" (Lao Ðộng), "Hơn 1000 ngày ép con gái làm nô lệ tình dục" (báo Gia Ðình), "Thiếu nữ tự tử vì nhiều năm bị bố cưỡng hiếp" (Ngôi Sao), "Tâm sự của thiếu nữ bị mẹ bán sang TQ làm nô lệ tình dục" (Dân Việt)...

Người ta tự hỏi vì sao mà ngày càng nhiều tội lỗi, tội ác do những người vô cùng thân thiết gây ra cho nhau? Dường như chẳng còn một ranh giới nào dù là tình nghĩa cha mẹ, vợ chồng, có thể làm cho kẻ sắp phạm tội chùn lại.

Nguyên nhân thì có nhiều, báo chí dư luận cũng đã mổ xẻ rất nhiều.

Trong nhiều quốc gia, lằn ranh ngăn chặn con người phạm tội hoặc do pháp luật nghiêm minh, do niềm tin vào tôn giáo, hoặc do có một hệ thống giáo dục tốt, vững mạnh. Ở Việt Nam bây giờ thiếu vắng cả ba thứ kể trên.

Những năm tháng cả xã hội được dạy dỗ theo chủ nghĩa duy vật vô thần đã hủy hoại trong rất nhiều người niềm tin vào tôn giáo. Luật pháp thì không nghiêm minh. Giáo dục thì tệ hại chỉ chăm chăm nhồi nhét cho học sinh một mớ kiến thức để đi thi, lấy bằng, sau này ra đời kiếm việc, kiếm "ghế", mà không dạy cho các em những bài học làm người, lòng nhân ái, tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội v.v...

Môi trường giáo dục từ lâu cũng không còn là nơi thiêng liêng trong mắt học trò khi thầy cô miệt mài dạy thêm để kiếm tiền và học trò thì có thể trả tiền để kiếm chữ.

Thậm chí đạo đức chốn học đường cũng bị tha hóa với những vụ mua điểm, mua bằng, gạ tình lấy điểm, thầy đánh trò, trò đánh thầy, thầy cưỡng bức trò, hiệu trưởng mua dâm học sinh, kể cả thầy giáo bán dâm...

Khi từ xã hội cho đến nhà trường cũng không còn là nơi an toàn, gia đình là chỗ trú ngụ duy nhất.

Nếu gia đình nào mà bố mẹ sống tử tế lương thiện, là tấm gương cho con cái đồng thời yêu thương chăm sóc lẫn nhau, chăm sóc con cái thì con cái vẫn có thể trở thành người tốt, học hành đàng hoàng, không bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ xã hội, mặc dù điều này cũng chưa hẳn đã đảm bảo 100%.

Bởi vì có những kẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình tử tế, được ăn học nhưng vẫn phạm tội ác như Nguyễn Ðức Nghĩa trong vụ án chặt đầu người yêu cũ là một trong rất nhiều ví dụ.

Thêm một Ngày Gia Ðình Việt Nam đi qua, nhìn lại bức tranh thực tế buồn nhiều hơn vui của xã hội Việt Nam.

Song Chi

Filed under: