Đấu tranh để chiến thắng hay để lấy tiếng?

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

Với sự tham gia ngày càng đông đảo của giới trẻ trong khoảng một hai năm nay, cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước ngày càng khởi sắc. Đặc điểm của giới trẻ không chỉ là dễ liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh, mà còn biết động não để sáng tạo những phương cách đấu tranh mới.

CAUHOI 

Từ giới trẻ, chúng ta thấy xuất phát nhiều sáng kiến độc đáo: nào là thả bóng bay, tặng bóng bay hay tặng những áo T-shirt có hình ảnh bắt mắt với những biểu tượng hay khẩu hiệu dân chủ, nào là hộp truyền đơn được điều khiển từ xa, nào là biểu tình ngay tại sân nhà mình, nào là thiết kế những trang web, blog, facebook dân chủ hấp dẫn người đọc, nào là cung cấp hết sức nhanh chóng cho toàn thế giới những hình ảnh sống động về sự tàn ác của chế độ trong việc đàn áp biểu tình, cướp đất dân oan, v.v. Sẽ còn vô số những sáng kiến đấu tranh độc đáo khác trong tương lai.

 

Giới trẻ còn biết sử dụng mưu kế "gậy ông đập lưng ông" khi phổ biến trong dân chúng những văn bản mà chính CSVN đã long trọng ký kết với Liên Hiệp Quốc như Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền, hoặc những thư ngỏ của chính Hồ Chí Minh gửi nhà cầm quyền thực dân Pháp đòi hỏi những nhân quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, v.v. Kế này khiến CSVN hết sức bối rối: đàn áp hay không đàn áp đều hết sức bất lợi. Cuộc dã ngoại dân chủ ở ba miền Bắc, Trung, Nam ngày 5/5 vừa qua cũng là một sáng kiến rất độc đáo.

 

Cũng chính vì cuộc đấu tranh của giới trẻ lợi hại như vậy, nên tòa án CSVN đã kết án rất nặng những nhà đấu tranh dân chủ trẻ tuổi như Phương Uyên, Nguyên Kha, Việt Khang, Minh Hạnh, Quốc Hùng, những thanh niên công giáo tại Vinh, v.v. hầu dằn mặt giới trẻ trong nước. Nhưng họ không ngờ rằng bạo lực của họ không chỉ làm cho những gương bất khuất của những nhà đấu tranh trẻ tuổi này nổi bật lên mà còn kích động mạnh mẽ lòng yêu nước của giới trẻ gấp 100 lần những truyền đơn hay những khẩu hiệu dân chủ mà giới trẻ đã phổ biến.

 

Qua đó ta thấy giới trẻ trong nước đã biết sử dụng những phương tiện thích hợp và chính yếu để chiến thắng. Phương tiện chính yếu trong đấu tranh là thực lực và mưu kế. Thực lực tạo được nhờ liên kết hay đoàn kết, mưu kế có được nhờ suy tư, động não. Thiếu hai yếu tố này thì vô phương thắng lợi, nhất là khi phải đối đầu với một địch thủ vừa mạnh, vừa mưu mô thủ đoạn như CSVN.

 

So sánh lực lượng giữa chế độ độc tài cộng sản và những người đấu tranh dân chủ, chống độc tài cộng sản hiện nay, ai cũng thấy đó là một cuộc đấu tranh không cân sức giữa một bên quá mạnh, quá đông và một bên còn quá yếu, quá ít người...

 

Tuy nhiên, không cân sức không có nghĩa là bên mạnh sẽ thắng, bên yếu sẽ thua. Lịch sử nước Việt ta đã bao lần chứng minh câu ca dao: "Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!" Thật vậy,

 

-- Thế kỷ 10, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc hơn một thiên niên kỷ Bắc thuộc;

-- Thế kỷ 11, Lý Thường Kiệt đại thắng quân Tống với câu nói trứ danh: "Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư..."

-- Thế kỷ 13, Trần Hưng Đạo chiến thắng quân Nguyên thật vẻ vang cũng trên sông Bạch Đằng;

-- Thế kỷ 15, Lê Lợi với quân sư Nguyễn Trãi đã đại thắng quân Minh;

-- Thế kỷ 18, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh cách thần tốc chỉ trong 40 ngày...

 

Khi quân địch mạnh và đông gấp nhiều lần quân ta thì bí quyết chiến thắng của quân dân ta là do đâu? -- Thưa: do quân dân ta biết đoàn kếtmột lòng một ý tạo nên thực lực hay sức mạnh, đồng thời biết vận dụng trí tuệ để tìm ra mưu kế thích hợp hầu thắng địch.

 

Trong những cuộc đấu tranh không cân sức như cuộc đấu tranh hiện nay, tại sao chúng ta không áp dụng cái kinh nghiệm lịch sử quý báu mà cha ông để lại để chiến thắng? Bí quyết để chiến thắng của cha ông ta chính là đoàn kết để tạo thực lực, và động não để tìm mưu kế...

 

Thực lực hay sức mạnh của các lực lượng chống cộng nếu muốn có, hệ tại sự đoàn kết, đồng lòng, muôn người một ý, "triệu con tim, một tiếng nói", theo kiểu "thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn"… Một tập thể nhỏ mà biết đoàn kết thì có thực lực hơn một đoàn quân ô hợp đông gấp 10 hay 100 lần.

 

Mưu kếnếu muốn có, đòi hỏi những người đấu tranh phải suy nghĩ, động não, phải biết "tùy cơ ứng biến", tùy theo tình hình biến đổi mà linh động thay đổi chiến lược hoặc chiến thuật. Mưu kế và thực lực phải bổ xung lẫn nhau. Lực càng yếu thì càng phải sử dụng mưu kế. Cổ nhân nói: "Mạnh dùng sức, yếu dùng chước".

 

Mưu kếnếu muốn áp dụng thì phải tuyệt đối bí mật. Mưu kế mà kẻ thù biết được thì hoàn toàn vô dụng. Thật vậy, nếu quân Nam Hán hay quân Nguyên biết được dưới đáy sông Bạch Đằng có những cọc nhọn thì làm sao chúng chịu lọt bẫy và quân ta làm sao chiến thắng được?

 

Trong cuộc đấu tranh chống cộng sản hiện nay, có những người đấu tranh để chiến thắng. Họ thật sự quan tâm, phát huy, củng cố và sử dụng những phương tiện tối cần để chiến thắng là thực lực và mưu kế. Đó mới là những người đấu tranh đích thực.

 

Tuy nhiên, không thiếu những người đấu tranh không hề đặt nặng vấn đề chiến thắng. Họ đấu tranh chỉ để được tiếng là có đấu tranh, được tiếng là người yêu nước hầu tạo uy tín cho mình, để thoả mãn lòng hận thù, để "thoa dầu cù là lương tâm", tự lừa dối lương tâm để khỏi bị cắn rứt, khỏi bị mang tiếng là vô tình với quốc gia dân tộc...

 

Hạng người này lúc nào cũng ra vẻ chống cộng rất mạnh và đấu tranh rất quyết liệt, mở miệng ra là nói quyết tâm lật đổ chế độ cộng sản cho bằng được, nhưng trong thực tế lại rất thờ ơ với những phương tiện cần thiết phải sử dụng để chiến thắng. Quyết tâm chiến thắng của họ chỉ ở ngoài môi miệng. Đó là thứ quyết tâm giả dối. Đấu tranh kiểu của họ chỉ là náo động chứ không phải hoạt động, chỉ là biểu diễn chứ không phải đấu tranh! Nếu đấu tranh mà bị quần chúng hiểu lầm hay bị chụp mũ là cộng sản thì họ không còn động lực đấu tranh nữa.

 

Muốn chiến thắng phải có thực lực. Nhưng làm sao có thực lực nếu không chịu đoàn kết? Làm sao đoàn kết được nếu cứ đánh phá lẫn nhau, biến lực lượng đấu tranh thành một tập thể ô hợp? Làm sao đoàn kết được nếu lúc nào cũng chụp mũ cộng sản những ai có đường lối khác mình? Nếu có ai cổ vũ đoàn kết liền chụp mũ họ là hòa hợp hòa giải với cộng sản để loại họ ra khỏi cuộc chiến thì lực lượng của mình làm sao đông người lên được? Cứ như thế làm sao có được thực lực mà chiến thắng?

 

Muốn chiến thắng phải có mưu kế. Nhưng làm sao có được mưu kế nếu không chịu suy nghĩ tìm chiến lược hay chiến thuật nào thích hợp với thời thế đã thay đổi? Thời thế thay đổi, hiện nay khác hẳn 10 năm trước, lại càng khác với 20, 30 năm trước, thế mà ta vẫn giữ nguyên một chiến thuật thì sao thắng được? Kẻ thù biết rõ ta chỉ có chiến thuật đó, đương nhiên chúng sẽ tìm được phương thế đối phó hữu hiệu. Đấu tranh kiểu đó mà ta vẫn chiến thắng được thì quả là phép lạ!

 

Lực mình yếu thì phải dùng mưu. Nhưng làm sao mưu kế thực hiện được khi có ai sử dụng mưu kế thì lập tức xuất hiện cả một đám đông thật đông la toáng lên phản đối chỉ vì thấy ngược với suy nghĩ của mình và không hiểu được? Chẳng những phản đối mà còn tuyên truyền họ là đồng lõa với kẻ thù để đồng loạt tẩy chay họ? (*)

 

Đã là mưu kế thì phải là "thiên biến vạn hóa", "thấy vậy mà không phải vậy!": bề ngoài là "dương đông" nhưng thực tế lại là "kích tây", bề ngoài có vẻ theo địch nhưng thực tế là bất ngờ đâm sau lưng địch (**). Mưu kế mà quần chúng hiểu được chẳng lẽ địch không hiểu được? Địch mà hiểu được thì còn gì là mưu kế?

 

Mưu kế của những người thật sự đấu tranh, thật sự làm chính trị, nếu không giải thích ra thì người bình thường không thể hiểu được. Vì thế những người sử dụng mưu kế, nhất là những mưu kế độc, rất dễ bị quần chúng hiểu lầm, phản đối. Đương nhiên cộng sản nằm vùng cũng sẽ lợi dụng sự hiểu lầm này để triệt tiêu uy tín của họ bằng cách chụp mũ, phóng đại và nhờ những người chống cộng mà hiểu lầm họ tiếp tay triệt hạ họ. Phương tiện Internet lúc này trở thành hết sức bất lợi chẳng những cho họ, mà cho cả đại cuộc.

 

Đương nhiên, nếu họ là người yêu nước thật sự, họ đành phải chấp nhận bị hàm oan, và phải tạo uy tín cho mình cách khác. Sử dụng mưu kế mà bị hiểu lầm oan ức và tai hại như thế mà vẫn tiếp tục đấu tranh, chấp nhận bị hiểu lầm, thì họ chính là người đại dũng, là người yêu nước mạnh mẽ hơn người. Đấu tranh mà được mọi người ca tụng là yêu nước thì quả là dễ dàng. Nhưng đấu tranh mà bị hiểu lầm, bị mọi người kết án là phản bội mà vẫn kiên trì đấu tranh, thì quả không phải dễ. Đã đấu tranh, đã làm chính trị, muốn thành công, muốn chiến thắng mà không sử dụng mưu kế khi lực mình còn yếu, thì chưa phải là người quyết tâm chiến thắng.

 

Tự nhận mình là người quốc gia chống cộng mà không thèm quan tâm tới những phương tiện cần thiết để thành công hay chiến thắng, thì đó có phải là đấu tranh không? Nói mình hết lòng muốn tới chỗ nọ chỗ kia thật xa mà từ chối mọi phương tiện di chuyển thì đó là hạng người gì? (***)

 

Người Việt Thầm Lặng

____________________________________________

 

Ghi chú:

 

(*) Khổng Minh chỉ còn ba ngàn quân trong thành, bỗng nghe thám báo hàng vạn quân Tư Mã Ý đến vây đánh. Ông ung dung sai người mở cổng thành, rồi sắp bàn rượu ngồi trên mặt thành gẩy đàn. Tư Mã Ý mới trông cảnh tượng ấy, trong bụng nghi hoặc Khổng Minh có mưu gì nên vội cho quân rút lui. Thấy Tư Mã Ý rút rồi, Khổng Minh tức tốc đem quân chạy. (x. Vũ Tài Lục, Thủ đoạn chính trị, trích từ http://diendan.zing.vn/archive/index.php/t-1166864.html).

 

Tư Mã Ý, một nhà chiến lược ngang tầm với Khổng Minh, mà còn không hiểu được mưu kế ấy, lẽ nào người thường lại cứ đòi hiểu? Khi thực hành mưu kế ấy, Khổng Minh phải tuyệt đối bí mật, không thể cho mọi tướng dưới quyền biết được. Thấy cảnh tượng ấy, hẳn nhiên có nhiều người lo sợ và nghi ngờ Khổng Minh làm phản, giao cả ngàn quân vào tay giặc! Khổng Minh phải chấp nhận để nghi ngờ chứ không thể giải thích. Giải thích thì bị lộ, mà lộ thì thất bại!

 

(**) Xưa kia Trịnh Vũ Công muốn đánh nước Hồ, mới đầu đem con gái gả cho vua Hồ để làm cho vua Hồ vui lòng và tin cẩn. Rồi ông hỏi quần thần: "Trẫm muốn dùng binh thì nước nào nên đánh?" Quan đại phu là Quan Kỳ Tư bảo: "Nên đánh nước Hồ". Vũ Công giận, sai đem giết Quan Kỳ Tư và bảo: "Hồ là nước anh em, sao nhà ngươi lại bảo nên đánh?" Vua Hồ nghe chuyện đó, cho là nước Trịnh thân với mình, không đề phòng. Nhờ đó quân Trịnh đánh úp mà chiếm được (trích từ http://www.wapviet.vn/truyendai/article-18415/hoi-45.html?page=3)



(***) Mời đọc những bài khác:



4) Đấu tranh – Lùi để Tiến: http://nguoivietthamlang2012.blogspot.com/2013/05/dautranh-luidetien.html 

3) Nhận xét về hai phương cách đấu tranh  chống cộng: http://nguoivietthamlang2012.blogspot.com/2013/05/nhanxetve2phuongcachdautranh.html 

2) Đừng mắc bẫy cộng sản: http://nguoivietthamlang2012.blogspot.com/2013/05/dungmacbaycongsan.html 

1) Một vài góp ý cho cuộc đấu tranh chống cộng sản hiện nay: http://nguoivietthamlang2012.blogspot.com/2013/05/gopychocuocdautranh.html 

Filed under: