SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH ( C ) - LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

( Lc 24, 46- 53)

                                                  

                                                                ĐƯỢC ĐEM LÊN TRỜI

Lễ Thăng Thiên, có thể nói là lễ vui mừng nhất, bởi vì mầu nhiệm Thăng Thiên là mầu nhiệm trọn vẹn nhất, diễn tả mục đích cuối cùng của con người, là gặp gỡ Thiên Chúa. Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm chiến thắng tử thần, bày tỏ sự sống của Thiên Chúa nơi con người, nhưng mục đích của sống lại há không phải để được gặp gỡ Thiên Chúa sao? Nên chi, mầu nhiệm Thăng Thiên chính là bày tỏ sự viên mãn của con người. Bởi vì bao lâu con người còn ở trần gian, là bấy lâu con người chưa được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Sự Phục Sinh của Đức Kitô bày tỏ sự sống lại của thân xác con người khi được cứu độ hoàn toàn, nhưng vốn Thiên Tính thì Chúa Giêsu phải trở về với siêu nhiên, còn thân xác dù là Phục Sinh, nhưng vẫn là tự nhiên, vì vậy bao lâu Chúa Giêsu chưa về Trời thì bấy lâu, Người vẫn tồn tại trong tự nhiên, là trong phần Nhân Tính của Người và như vậy mầu nhiệm cứu chuộc chưa hoàn tất dù Người đã Phục Sinh. Vì mầu nhiệm Phục Sinh không phải để sống lại trong thân xác thế trần, mà là sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa, nên chi, mầu nhiệm Phục Sinh dù vui mừng đến đâu cũng chưa thỏa mãn được mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Vì thử hỏi, sự sống đích thực mà không được lên Trời thì như vậy có ý nghĩa gì? Vì quê hương đích thực chính là quê Trời. Vậy quê Trời ở đâu ? Câu trả lời chắc chắn không phải ở bất cứ nơi nào trên trần gian nầy. Nhưng cũng không phải là ở trên cao. Càng không phải là ở trên bầu trời mà chúng ta nhìn thấy. Vậy Nước Trời ở đâu ? Há chẳng phải là nơi có Thiên Chúa Ngự trị sao ? Như vậy Nước Trời là vương quốc vĩnh cửu, không có biên cương, không có lãnh thổ, không có vị trí địa lý, vì Nước Trời là vô hình, siêu nhiên. Điều gì siêu nhiên là phi thực tại. Qủa thật, nhưng trần gian vốn không vĩnh cửu, vì trần gian hữu hình, như vậy trần gian sẽ không hằng hữu. Vậy điều gì hằng hữu đó là Nước Trời, vì Nước Trời là siêu nhiên. Như vậy, Nước Trời cũng có thể hiểu là cõi siêu nhiên, cõi vĩnh hằng, mặc nhiên là đối lập với thực tại. Nhưng thật hữu lý khi Nước Trời không đòi hỏi chối bỏ thực tại, nhưng giúp thăng hoa thực tại trần thế. Như vậy, muốn "được đem lên trời", con người phải chấp nhận thực tại và đi con đường Thập giá như " Con Người Giêsu", vì không còn con đường nào khác. Như vậy, "Đạo Công Gíao là con đường của Chúa Giêsu". Mặc nhiên con đường ấy không có bất công, không có hận thù, không có mánh mung xảo trá,không có đố kỵ, ghen tuông, không có tranh chấp, chỉ có hòa bình và tình thương. "Có thì nói có, không thì nói không", chỉ có Thiên Chúa ở trong lòng và như vậy vương quốc vĩnh cửu là Nước Trời chính là ở nơi tâm hồn những người có Thiên Chúa. Như vậy, dù các tầng Trời có cao bao nhiêu theo nghĩa đen thì tâm hồn những người đó mới được cất lên trời. Vì không thể muốn "được đem lên trời", mà trong tâm hồn lại vắng bóng Thiên Chúa. Như vậy, mầu nhiệm Phục Sinh diễn tả phần Nhân Tính trọn vẹn của Chúa Giêsu, nhưng Thăng Thiên mới diễn tả mầu nhiệm Thiên Tính trọn vẹn nơi Đấng Cứu Thế.

Mầu nhiệm Thăng Thiên là niềm hy vọng đích thực của những ai tin vào Đức Kitô, là sự trở về với sự siêu nhiên vĩnh cửu nơi có Thiên Chúa hiện hữu. Như vậy mầu nhiệm nhập thể và nhập thế,mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh là cả một hành trình của ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Ngôi Hai, nhưng nếu không có mầu nhiệm Thăng Thiêng thì con người không có thực tại vĩnh hằng, và như vậy không có vương quốc vĩnh cửu.

Như vậy, hệ quả của các mầu nhiệm chính là mầu nhiệm Lên Trời của Chúa Giêsu, kết thúc một hành trình chịu làm Người vì yêu thương con người và thực thi Lời Kinh Thánh của Đấng Cứu Thế, theo đó chính Người đã xác định như sau : " Có Lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại," ( c 46). Nhưng không dừng lại ở mầu nhiệm sống lại, mà là phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân ( c 47). Rồi nữa , để ban ơn Thánh Thần, chính là quyền năng từ Trời cao ban xuống ( c 49 b), cũng chính là một Lời Hứa từ Thiên Chúa Cha.

Như vậy, trước khi "được đem lên trời" , Chúa Giêsu đã để lại ơn Bình An và chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ mới là Chúa Thánh Thần, vì nếu Người không ra đi thì Thánh Thần sẽ không đến. Nên chi, "được đem lên trời" là sứ mạng mới của Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa Giêsu, trước khi về Trời, Chúa đã chuẩn bị cho chúng con mọi thứ, để đón nhận một ân sũng mới, một ân sũng tình yêu trong hình thức siêu nhiên, nguyên tuyền, là quyền năng tuyệt đối của Chúa Ngôi Ba, Đấng đáng tôn thờ trong hình thức siêu phàm, mà không một thế lực nào can thiệp được. Chúng con nhân danh Chúa mà đón nhận và tôn thờ Đấng ấy./. Amen

12/05/2013

P. Trần Đình Phan Tiến

Filed under: