Quan Hệ Giữa Norodom Sihanouk Và Việt Nam

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013 by: Lý Tưởng Người Việt

7 cuu2639-450
                        

Cựu vương Norodom Sihanouk và bà hoàng Monique.


1* Mở bài

Hồi 2 giờ sáng ngày 15-10-2012, Norodom Sihanouk, cựu quốc vương Campuchia qua đời tại Bắc Kinh. Bắc Kinh và Hà Nội tổ chức và tham dự tang lễ vô cùng trọng thể. Chết là hết. Nhưng nhân vật nầy đối với Việt Nam Cộng Hoà ra sao?

Cuộc đời của Norodom Sihanouk có liên hệ chặt chẽ với những biến cố lịch sử Việt Nam. Trước hết, ông đã từng sinh sống ở Sài Gòn để theo học trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ngày nay).

Sihanouk đã từng ký hiệp ước, cho phép CSBV và Trung Cộng xử dụng vô thời hạn lãnh thổ CPC và hải cảng ở Sihanoukville để đưa vũ khí, bộ đội và cho lập căn cứ trến đất Miên. Để trả lại, Trung Cộng mua lúa gạo của CPC với giá cao.

Hành động thù địch nầy gây tai hại rất lớn cho việc bảo vệ nước VNCH chống lại chế độ Cộng Sản Hà Nội. Sihanouk đã chọn điểm đứng là kẻ thù của Việt Nam Cộng Hòa.

2* Con người hai mặt và tráo trở của Norodom Sihanouk

Kể từ năm 1958, dưới chiêu bài trung lập, nhưng Norodom Sihanouk tỏ ra thân cận với Bắc Hàn, Trung Cộng và Cộng Sản Bắc Việt.

Ngay sau khi Hoa Kỳ viện trợ xây dựng một xa lộ nối liền Phnom Penh với Sihanoukville thì Sihanouk bật đèn xanh cho Trung Cộng thiết lập một hệ thống cột đèn thắp sáng xa lộ. Dư luận cho rằng hệ thống cột đèn làm vô hiệu hoá việc xử dụng xa lộ như những phi đạo cho phi cơ.

Sau khi Hoa Kỳ xây xong một bịnh viện ở Phnom Penh, thì Sihanouk mời Liên Xô mang máy móc đến trang bị cho bịnh viện. Thành ra, những quà tặng của Hoa Kỳ chỉ còn giá trị có phân nửa. Đặc biệt là cho xử dụng hải cảng Sihanoukville và biên giới để CSBV chuyển vũ khí, bộ đội và làm căn cứ đánh chiếm miền Nam VN.

Những năm 1960, Sihanouk giúp chuyển vũ khí của Trung Cộng và Liên Xô đến những căn cứ của CSBV, theo tỷ lệ giữ 1 chuyển 9. Lợi dụng việc nầy, ra điều kiện với CSBV ngừng ủng hộ Khmer Đỏ của Pol Pot đang chống lại ông.

Thế nhưng, khi bị Lon Nol lật đổ, ông sang tỵ nạn ở Bình Nhưỡng (Bắc Hàn) rồi đến Bắc Kinh, ông lại ủng hộ Pol Pot chống lại Lon Nol. Pol Pot hứa sẽ dành cho ông một địa vị trong chính quyền sau khi chiến thắng.

Dù biết được tâm địa của Sihanouk, Hoa Kỳ vẫn chưa động tịnh, nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Nhu muốn hạ bệ Sihanouk bằng mọi cách.

3* Kế hoạch đảo chánh Sihanouk năm 1959

3.1. Chuẩn bị

Đến ngày 10-12-1959 kế hoạch chuẩn bị và móc nối xem như hoàn tất. Đại diện Ngoại giao VNCH ở Campuchia là Ngô Trọng Hiếu, đã móc nối với tướng Dap Chhuon trong một cuộc săn bắn tại khu rừng phía Bắc tỉnh Siem Reap. Ông Hiếu đồng thời móc nối với cô vợ bé gốc Việt và người em trai của Dap Chhuon. Người em là dân biểu Quốc hội Campuchia.

Dap Chhuon còn có tên Khmer là Khem Phec, Chhuon Mochulpich. Năm 1957, Dap Chhuon từ bỏ chức vụ Bộ trưởng nội vụ vì bất mãn Sihanouk theo Cộng Sản, ông nầy trở về Siem Reap làm vua một cõi.

Ngô Trọng Hiếu dùng tiền bạc mua chuộc các thành viên hoàng gia, trong đó có bà mẹ của Sihanouk và ông Sam Sary.

Ngô Trọng Hiếu đích thân dùng xe mang bảng số ngoại giao, chở 100 kg vàng đến cho tướng Dap Chhuon.

3.2. Kế hoạch đảo chánh

Tại tư dinh của tướng Dap Chhuon, một đài phát tuyến được thành lập và do 2 gián điệp VN phụ trách. Mỗi ngày, vào lúc 7 giờ sáng, 12 giờ trưa và 9 giờ tối, liên lạc với Sở Mật vụ Sài Gòn.

Hai bên ấn định ngày hành động "N" là 10-2-1959.

Tại Sài Gòn.

Ngô Đình Nhu và BS Trần Kim Tuyến lên kế hoạch.

Về chính trị. Đưa Sơn Ngọc Thành, một nhân vật chính trị Campuchia lưu vong tại VN, sẽ lên thay thế sau khi Sihanouk bị lật đổ.

Về quân sự. Khi cuộc đảo chánh bùng nổ, thì Quân đội VNCH ở Vùng 4 và Vùng 2 chiến thuật sẽ đưa quân đến biên giới giúp Dap Chhuon chiếm lĩnh khu Đông Bắc Campuchia.

Kế hoạch tuyệt mật, chỉ có Ông Nhu, BS Tuyến và Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ biết mà thôi.

3.3. Kế hoạch bị lộ

Ngày N bị đình lại.

Ngày hành động 10-2-1959 bị đình lại vì Sơn Ngọc Thành qua Thái Lan xin viện trợ cho mặt trận phía Tây. Sự trì hoãn làm cho kế hoạch bị bại lộ. Nếu ngày N được thi hành thì Sihanouk trở tay không kịp.

Trong thời gian 10 ngày, âm mưu của tướng Dap Chhuon bị lọt vào tay toà đại sứ Pháp.

Ngày 21-2-1959, lúc 12 giờ đêm, đại sứ Pháp và đại sứ Liên Xô vào Hoàng cung thông báo cho Sihanouk.

2 giờ sau, Sihanouk động binh, giao cho Lon Nol chỉ huy lực lượng Dù, chớp nhoáng tấn công vào Siem Reap.

6 giờ sáng hôm sau, 22-2-1959, khi Dap Chhuon còn đang ngủ thì quân Dù của Lon Nol tràn ngập Siem Reap. Dap Chhuon cải trang, giả dạng thường dân trốn thoát.

Lon Nol chiếm dinh thống đốc Siem Reap với đầy đủ tang vật gồm 100 kg vàng, đài phát tuyến, vũ khí và 2 gián điệp VN.

Ngày 23-2-1959, Sihanouk mời tất cả đại sứ nước ngoài, kể cả Ngô Trọng Hiếu, đến Siem Reap để xem bằng chứng đảo chánh.

Sihanouk hỏi Ngô Trọng Hiếu: "Ngài Đại diện nghĩ thế nào về những bằng chứng nầy?". Ngô Trọng Hiếu thản nhiên đáp: "Thưa Thái tử Quốc trưởng, chúng tôi đến đây để nghe ngài trình bày nên không có gì để trả lời cả".

Hai tháng sau, 2 điệp viên VN bị hành quyết.

Dap Chhuon dù thoát được vào rừng, nhưng do nghiện thuốc phiện nặng nên kiệt sức, nằm gục dưới gốc cây. Lính Dù của Lon Nol bắt gặp và hạ sát tại chỗ.

Sihanouk chửi chính quyền VNCH suốt 3 ngày 3 đêm trên radio.

4* Kế hoạch mưu sát Sihanouk của ông Ngô Đình Nhu

Kế hoạch đảo chánh thất bại, Sihanouk càng thân Cộng Sản hơn, nên Tổng thống Diệm và ông Nhu quyết tâm trừ khử mối họa nầy.

Trong hồi ký, Tướng Trần Văn Đôn ghi lại: "Sau vụ đảo chánh bất thành, Sihanouk ra mặt ủng hộ Bắc Việt và quân Giải Phóng Miền Nam chống lại Sài Gòn. Sihanouk cho CSBV xử dụng lãnh thổ của mình dọc theo biên giới để chuyển quân và vũ khí vào miền Nam. Mỗi lần quân VNCH tảo thanh, thì Việt Cộng rút qua bên kia biên giới thuộc lãnh thổ Campuchia".

Hành động của Sihanouk là thái độ thù địch vô cùng tai hại cho VNCH, nên dứt khoát phải trừ khử để bảo vệ quốc gia.

Mặc dù bang giao căng thẳng nhưng tòa Đại diện ngoại giao VNCH vẫn mở cửa. Ngô Trọng Hiếu bị trục xuất, người thay thế là Phạm Trọng Nhơn, một điệp viên nhà nghề của BS Trần Kim Tuyến.

Phạm Trọng Nhơn bám sát viên kỹ sư người Mỹ đã từng xây dựng xa lộ cho Sihanouk, ông là chỗ thân tình với nhà vua và Hoàng gia.

4.1. Thành lập tổ hành động

Kế hoạch mưu sát Sihanouk được thiết lập, do Hoàng Ngọc Điệp, Phó giám đốc Sở mật vụ chỉ huy thực hiện.

Hoàng Ngọc Điệp đóng vai một ông chủ lớn ở Sài Gòn, đến ngụ tại khách sạn sang trọng nhất ở Phnom Penh để chỉ đạo công tác. Phụ tá ông Điệp là Đại úy Lưu Thành Hữu và một số điệp viên do ông Điệp tuyển chọn. Một nữ điệp viên trẻ đẹp được chỉ định đóng vai vợ của Điệp.

4.2. Cơ hội đã đến

Viên kỹ sư người Mỹ về nước. Ông vào Hoàng cung chào từ biệt Sihanouk và Hoàng gia. Ông cho biết, trên đường về, sẽ ghé qua Hồng Kông trước khi về Mỹ.

Nắm lấy cơ hội nầy, điệp viên Nguyễn Nhơn và một đồng nghiệp sẽ giả dạng làm nhân viên của viên kỹ sư Mỹ trước kia trong công trình xây dựng xa lộ cho Sihanouk, sẽ từ Hồng Kông mang 2 vali quà của kỹ sư Mỹ về tặng cho Sihanouk và Giám đốc Nghi lễ Hoàng cung.

Vali quà cho Sihanouk có chứa chất nổ cực mạnh. Do móc nối với Giám đốc Nghi lễ nên ngày giờ trao quà được điều chỉnh để kích hỏa chất nổ.

Sở mật vụ Sài Gòn cũng không quên nhái nét chữ viết tay của kỹ sư Mỹ thông qua một tấm thiệp cũ.

Lúc 9 giờ sáng, Nguyễn Nhơn mang 2 vali quà vào Hoàng cung, nói là quà của kỹ sư Mỹ gởi tặng sau khi ghé Hồng Kông.

Giám đốc Nghi lễ là chỗ thân tình của viên kỹ sư Mỹ, đã nhận ra nét chữ trên tấm thiệp, nên không nghi ngờ gì. Ông mở vali ra xem thì rất thích thú vì quà rất quý, có giá trị.

Sihanouk định mở vali quà, nhưng bổng nhiên tùy viên báo cáo là có phái đoàn sinh viên Trung Cộng đến thăm và đang chờ ở phòng khách. Thế là Sihanouk ra tiếp khách. Đang nói chuyện thì một tiếng nổ long trời, rung động cả Hoàng cung.

Buổi phát thanh 12 giờ trưa, đài VOA loan tin vụ nổ. Sở tình báo và hai ông Diệm Nhu mừng rỡ, sửa sọan giai đoạn hai là đưa Sơn Ngọc Thành về nước cầm quyền. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, báo cáo mật từ Phnom Penh gởi về cho biết Sihanouk thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. 

Lúc đó, Sihanouk hoàn toàn không nghi ngờ Sài Gòn, mà tin chắc rằng "bàn tay lông lá" của CIA là thủ phạm.

Câu chuyện do BS Trần Kim Tuyến, dưới bút hiệu Lương Khải Minh, cùng với tác giả Cao Thế Dung tường thuật lại trong cuốn "Làm thế nào để giết một tổng thống", xuất bản năm 1971.

Sihanouk hận Tổng thống Ngô Đình Diệm nên rất vui mừng tiếp đón những người đảo chánh hụt ngày 11-11-1960, như đại tá Nguyễn Chánh Thi, trung tá Vương Văn Đông, thiếu tá Phạm Văn Liễu, đại úy Phan Lạc Tuyên và trung úy Nguyễn Văn Cử sau đó, vào ngày 27-2-1962 khi cùng Phạm Phú Quốc ném bom Dinh Độc Lập.

Việt Nam Cộng Hoà thất bại hai lần, nhưng CIA thành công trong việc truất phế Sihanouk, đưa Lon Nol lên cầm quyền.

6* Lon Nol đảo chánh Sihanouk

6.1. Nguyên nhân đưa đến đảo chánh

Norodom Sihanouk đã cho phép Trung Cộng và Liên Xô xử dụng hải cảng ở Sihanoukville để chuyển vận vũ khí tiếp tế cho Việt Cộng ở miền Nam, đồng thời cho CSBV xử dụng lãnh thổ CPC dọc theo biên giới để chuyển vũ khí, bộ đội và cho lập căn cứ VC trên đất Miên.

Hoàng thân Sirik Matak (anh em họ của Sihanouk) và Lon Nol cho rằng lãnh thổ CPC đã bị xâm phạm. CSBV, với vũ khí nặng, đã kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn trên đất nước của họ.

Dưới áp lực của Mỹ, Sihanouk cho phép Mỹ và VNCH truy đuổi VC sang lãnh thổ CPC, với điều kiện không ảnh hưởng đến người dân Khmer.

Tổng thống Nixon đã cho B-52 ném bom ở mật khu 353, thuộc vùng Móc Câu và Mỏ Vẹt trên đất Miên. Trong thời gian hơn một năm, B-52 đã thực hiện 3,630 phi vụ dọc theo biên giới và trên lãnh thổ của xứ Chùa Tháp nầy.

Thêm vào đó, kinh tế CPC suy thoái, đời sống người dân khó khăn, được CIA móc nối, nên Sirik Matak và Lon Nol tổ chức lật đổ Sihanouk.

6.2. Diễn tiến cuộc đảo chánh năm 1970

Vào tháng 3 năm 1970, trong khi Sihanouk công du sang Trung Cộng, Âu châu và Liên Xô để xin viện trợ kinh tế, tài chánh và quân sự, thì thủ tướng Lon Nol và hoàng thân Sirik Matak tổ chức những cuộc biểu tình to lớn chống Cộng Sản Việt Nam, dân chúng đập phá sứ quán CSBV.

Ngày 12-3-1970, Sirik Matak hủy bỏ hiệp ước thương mại giữa CPC và CSBV do Sihanouk ký kết.

Lon Nol đóng cửa hải cảng ở Sihanoukville, không cho phép Trung Cộng và Liên Xô tiếp tế vũ khí cho VC ở miền Nam.

Sirik Matak gởi tối hậu thư cho CSBV, yêu cầu rút hết quân ra khỏi CPC trong vòng 72 giờ tính đến ngày 15-3-1970.

Ngày 18-3-1970, Lon Nol đem 20 tiểu đoàn đến bao vây quốc hội và áp lực buộc phải ra Quyết định bãi nhiệm Sihanouk.

Ngày 9-10-1970, nước Cộng Hoà Khmer ra đời. Lon Nol lên làm tổng thống. Tổng thống duy nhất trong lịch sử CPC cho đến nay.

Phong trào chống Cộng Sản VN làm ảnh hưởng đến người Việt sinh sống ở CPC. Nạn "cáp duồn" lại tái diễn trên cả nước.

Lon Nol đem quân đi đánh CSBV trên đất Miên nhưng thất bại, thế là VNCH và Hoa Kỳ tổ chức cuộc Hành Quân qua biên giới CPC, tiến sâu vào lãnh thổ 30, 40 km, có nơi đến 80 km.

Cuộc hành quân phá vở căn cứ của Trung Ương cục miền Nam và các cơ sở hậu cần của VC, đã thành công tốt đẹp. QĐ/VNCH đã phá vở các nhà kho, nhà ăn, lán trại, chuồng heo gà, bãi tập và cả hồ tắm nữa.

Có hơn 400 lán trại, boong ke chứa quần áo, thuốc men, lương thực và cả rượu ngoại quốc, thuốc thơm nữa. 182 hầm vũ khí chứa đạn dược, có hầm chứa 480 khẩu súng, một hầm chứa 120,000 viên đạn, phá hủy tất cả 6 triệu đạn dược đủ loại, rocket, đại liên, tiểu liên… Trung Ương cục và ban lãnh đạo MTDT/GP/NM bị phá vở. BS Dương Quỳnh Hoa chạy nạn đến trụy thai trong trận nầy.

7* Vài nét tổng quát về Norodom Sihanouk

7.1. Tiểu sử

Norodom Sihanouk (31-10-1922 – 15-10-2012). Cha là Norodom Suramarit, mẹ là Sisowath Kossamak. Ông có 6 vợ và 14 con (8 trai, 6 gái).

Sihanouk và vua cha từng sống ở Sài Gòn để theo học trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ngày nay) nên nói tiếng Việt rất giỏi.

7.2. Đặc điểm bản thân

Sihanouk là người đa tình, có óc nghệ sĩ. Ông làm thơ, viết nhạc, chơi kèn Saxophone, viết chuyện phim, làm đạo diễn và trong phim có mặt ông, hoàng hậu Monique các bộ trưởng và bạn bè thân thiết.

Sihanouk thích sống xa hoa phun phí, thích thức ăn và rượu Pháp, thường tổ chức tiệc tùng linh đình, ngay cả khi sống lưu vong. Sau khi bị Lon Nol truất phế, ông sống ở Bình Nhưỡng (Bắc Hàn). Kim Jong-il đã xây một biệt thự cho ông có 60 phòng, kể cả phòng chiếu phim.

7.3. Cuộc đời thăng trầm

Ngày 23-4-1941, Norodom Sihanouk lên ngôi quốc vương Campuchia.

Tháng 3 năm 1945, Nhật Bản chiếm CPC, nhưng cho phép chính phủ thời Pháp được duy trì. Chỉ cử Sơn Nhật Thành làm Thủ tướng. Nhật buộc ông tuyên bố nước CPC độc lập.

Năm 1953, Pháp trả độc lập cho CPC. Sihanouk vẫn là quốc vuơng nước nầy.

Ngày 18-3-1970, Lon Nol truất phế, Sihanouk sống lưu vong ở Bình Nhưỡng, rồi Bắc Kinh. Trong thời gian nầy, ông lập ra Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia (Front Uni-National du Kampuchia-FUNK). Ông kêu gọi toàn dân ủng hộ Khmer Đỏ của Pol Pot chống lại Lon Nol và Sirik Matak. Hưởng ứng lời kêu gọi, nông dân tham gia Khmer Đỏ rất đông, từ 6,000 tăng lên thành một lực lượng 50,000 du kích.

Tháng 2 năm 1973, nhân cơ hội Hiệp Định Paris đã được ký kết, ngừng bắn, kết thúc chiến tranh, ông nhờ Hà Nội đưa về mật khu trên đất CPC để hội họp với Pol Pot. Hà Nội cử một đoàn 89 người với 11 chiếc xe, từ Đồng Hới dọc theo Trường Sơn đưa Sihanouk và hoàng hậu Monique xâm nhập CPC vào mật khu để gặp Pol Pot.

Ngày 17-4-1975, khi Pol Pot chiếm Phnom Penh lên cầm quyền, Sihanouk được mời về giữ chức vua bù nhìn của chế độ diệt chủng. Người dân CPC chỉ trích ông thậm tệ.

Pol Pot cử ông đến Đại Hội Đồng LHQ để tố cáo CSVN đã xâm lược chiếm đóng nước ông. Ông lo hối lộ cho cán bộ mật vụ Pol Pot đi theo canh chừng, để ông gởi một tấm giấy nhỏ cho đại diện Mỹ ở LHQ là ông Young. Đến ngày hẹn cho cuộc đào tỵ, ông Young không đến, nên ý nguyện không thành. Có lẻ Hoa Kỳ đã chán bộ mặt tráo trở của ông.

Về CPC, ông bị quản thúc suốt một năm, rồi Pol Pot trục xuất ông sang Bắc Kinh.

Ngày 23-4-1991, sau khi CSVN rút quân, LHQ đưa 22,000 quân mủ xanh đến giữa an ninh và tổ chức bầu cử tự do, Sihanouk được mời về tham gia bầu cử và được phong là Quốc vương của chính phủ liên hiệp giữa đảng Nhân Dân của Hun Sen (do CSVN dựng lên) và đảng Bảo hoàng FUNCIPEC. Sau khi quân LHQ rút khỏi CPC, Hun Sen lật lọng, đảo chánh chiếm chính quyền, tiêu diệt đối lập, giết chết 300 người, và thực hiện cách cai trị độc tài dưới chế độ quân chủ lập hiến. Vua Sihanouk truyền ngôi lại cho con là Norodom Sihamoni, làm vua tượng trưng cho đến hiện nay.

8*Những điều ít biết về Norodom Sihanouk

Theo quy định trước đây của Hoàng tộc Campuchia thì: anh em ruột, anh em họ, anh em cùng cha khác mẹ đều có thể lấy nhau.

Norodom Sihanouk đã kết hôn sáu lần và có tổng cộng 14 người con (8 trai, 6 gái).

Người vợ thứ nhất của Sihanouk.

Năm 1941, Sihanouk kết hôn với Neak Moneang Phal Kanthol, 19 tuổi, là diễn viên trong đoàn múa ba lê của Hoàng gia. Hôn lễ bị các quan chức cao cấp và viên chức ngoại giao Pháp phản đối vì nữ diễn viên nầy xuất thân hèn kém và không phải là nữ đồng trinh, vì cô đã ăn nằm với người yêu là Zha Hua. Cha của Shanouk yêu cầu con trai lập tức bỏ vợ để lấy người môn đăng hộ đối.

Năm 1943, Sihanouk bỏ vợ. Bà Phal Kanthol sinh hạ một trai, một gái, cả hai được giữ trong vương thất.

Người vợ thứ hai của Sihanouk

Năm 1942, Hoàng gia đã ngầm đưa một quốc sắc thiên hương vào ăn ở với Sihanouk, mục đích cho ông bỏ bà vợ Phal Kanthol. Người đẹp là công chúa Sisowath PongSanmoni, 13 tuổi, vai vế trong giòng họ là dì của Sihanouk. Bà mẹ đã dạy con gái 13 tuổi nhiều chuyện mà một đứa bé thời kỳ đó chẳng bao giờ hiểu được.

Từ năm 1942 đến 1951, bà Sisowath PongSanmoni sinh bảy người con (4 trai, 3 gái). Giữa họ, cuộc sống vợ chồng kéo dài 9 năm.

Người vợ thứ ba của Sihanouk

Trong thời gian sống với công chúa PongSanmoni, Sihanouk yêu người em gái cùng cha khác mẹ với mình là Sisowath Monikessan và đã trở thành người vợ thứ ba của ông. Tuy sinh được một hoàng tử, nhưng vì sinh khó, nên bà Sisowath Monikessan chết sau khi đức con trai ra đời.

Người vợ thứ tư của Sihanouk

Năm 1949, Sihanouk đưa một cô gái người Lào mà ông gặp gỡ trong một cuôc khiêu vũ về Phnom Penh để làm lễ cưới. Cô gái Lào tên MamManivan kém hơn ông 12 tuổi. Lễ cưới vắng mặt chú rể vì theo luật lệ của Hoàng gia, nếu cô dâu là một thường dân thì chú rẻ phải vắng mặt. Bà nầy sinh 2 công chúa.

Năm 1970, khi Lon Nol đảo chánh, bà MaManivan ôm con chạy loạn không biết số phận của họ ra sao.

Từ năm 1949 đến năm 1951, Sihanouk sống một lúc cùng với 3 người phụ nữ.

Người vợ thứ năm

Người vợ thứ năm là công chúa Kanita Norodom Norleak, em họ của Norodom Sihanouk. Họ yêu nhau từ trước. Sau khi MamManivan mất tích, công chúa Norleak ly dị với chồng và được phong làm Đệ nhất phu nhân. Đến năm 1960, họ chia tay. Norleak sang định cư ở Pháp.

Người vợ thứ sáu, hoàng hậu Monique.

Người vợ thứ sáu là hoàng hậu Monique, tên Miên là Monineath Sihanouk. Hôn lễ cử hành long trọng vào tháng 4 năm 1952.

Bà sinh ngày 18-6-1936 tại Sài Gòn, tên khai sanh là Paule-Monique Izzi. Cha là người Pháp gốc đảo Corse, tên Jean-Francois Izzi, một chủ ngân hàng. Mẹ là người Campuchia tên Pomme Peang. Như vậy bà Monique là người Pháp lai Miên sinh ra ở Sài Gòn.

Họ có hai con trai: Hoàng thân Norodom Sihamoni (14-5-1953) đang tại vị Quốc vương Campuchia, và Hoàng thân Norodom Narindrapong sinh ngày 18-9-1954, qua đời năm 2003, ông có hai con gái.

9* Nạn Cáp Duồn
9.1. Cáp duồn

Trong tiếng Khmer, "Việt Nam" là "Yuon". Cáp Duồn là những vụ giết người Việt thả trôi sông xảy ra trong một phạm vi lớn, gây kinh hoàng cho người Việt sống ở Campuchia. Nguồn gốc của Cáp Duồn là do hận thù dân tộc lâu đời của người Khmer đối với người Việt Nam.

Vụ giết người Việt xảy ra lần đầu tiên là năm 1730. Lịch sử Miên ghi lại, năm 1730, một người tỵ nạn Lào, tự xưng là nhà tiên tri, xúi giục nhóm người Khmer cuồng tín hạ sát tất cả những người Việt nào mà họ gặp trong vùng Banam.

Từ đó, nạn giết người Việt thỉnh thoảng xảy ra.

9.2. Cáp Duồn công khai và có hệ thống

Năm 1970, chính phủ Lon Nol phát động chiến dịch Cáp Duồn trên toàn quốc. Radio, ti vi, báo chí đua nhau kể tội, nói xấu người Việt mỗi ngày. Bức hình "Ba cái đầu Khmer chụm lại làm ba ông táo" lại xuất hiện và nhiều bài viết kích động, tuyên truyền liên tục mục đích làm dấy lên làn sóng bài Việt vốn âm ỉ trong người Khmer.

Mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm xác chết người Việt trên dòng sông Mekong và Tonle Sáp. Xác chết sình lên, hôi thúi cả dòng sông. Người Việt bị ruồng bắt để nhốt tù hoặc bắn giết hết sức dã man, gây kinh hoàng cho người Việt ở đất nước nầy.

Người Khmer cho rằng, thời kỳ đô hộ của nhà Nguyễn thời vua Minh Mạng do Trương Minh Giảng thực hiện rất hà khắc và tàn bạo. Họ nhắc đi nhắc lại việc 3 nhà sư Khmer bị bắt chụm 3 cái đầu lại làm 3 ông táo.

10. Kết luận

Con người Sihanouk có nhiều mặt. Ban đầu chống Pol Pot rồi sau lại ủng hộ pol Pot, tạo điều kiện thắng lợi để Pol Pot thực hiện chế độ diệt chủng ở CPC. Kể ra, Sihanouk cũng có tội trong đó. Ban đầu chống Mỹ, đoạn giao, đóng cửa toà đại sứ, rồi sau đó, khi ở New York họp Đại Hội Đồng LHQ, thì xin giúp đở đào tỵ sang Mỹ. Bị Pol Pot lợi dụng, cuối cùng bị vắt chanh bỏ vỏ bằng cách quản thúc trong Hoàng cung. Tinh thần suy sụp, trầm cảm, bị cô lập, suốt ngày chỉ được nghe radio tin tức mà thôi.

Tóm lại, Norodom Sihanouk chỉ là một ông vua đa tình, đầy óc nghệ sĩ, thích sống xa hoa phun phí, không có bản lãnh và khả năng chính trị để bảo vệ và phát triển đất nước.

Đối với Việt Nam Cộng Hòa thì Sihanouk không phải là một người bạn tốt. Ông cũng đã từng trấn lột người Việt sinh sống trên đất nước Campuchia.

Trúc Giang


 

Filed under: