Hiện trạng học ngoại ngữ ở VN

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

Tôi mua bằng "B" 

 

 Từ Sâm Nha Trang 

 

abcVietNamHinhChuSCơ quan tôi có phong trào xóa mù Anh văn, ai không có bằng A cuối năm không được tiên tiến. Ai không có bằng B thì không được lên lương trước hạn. Xếp tôi đọc tiếng anh a,b,c là au, bờ, cờ mà vẫn có bằng C loại khá đó sao. 

Vì vậy, phong trào tiếng Anh ào ào như tằm ăn rỗi. Mà thực ra hàng của công ty tôi chỉ bán rặt một nước, đó là Trung Quốc, thi thoảng mới vượt rào qua Đài Loan thì cũng là Trung Quốc đó thôi. Mà các ông Trung Quốc tiếng Việt như gió nên quân ta chẳng cần tiếng Trung làm gì, cứ Việt là trên hết. Nhưng công ty đề ra là phải biết tiếng Anh nên chẳng ai dám phản và mình cũng cần có bằng B Anh văn để làm oai với thiên hạ chứ cả đời chẳng mở miệng với ông Tây lần nào.

Lớp học khoảng ba chục trò. Hai phần ba là trên dưới 40, còn lại đang ngồi trên ghế nhà trường. Trong số lớn tuổi, chủ yếu là cán bộ nhà nước và các doanh nghiệp.Trung tâm đậu nhờ một trường học, kẻng khua đúng giờ, bảo vệ mặc đúng đồng phục, nơi ghi danh và thu tiền đúng chỗ, bằng có dấu đỏ đúng của trường đại học có tiếng ở Hà Nội hẳn hoi .

Ngày đầu, cô giáo rất trẻ (mới ra trường, tôi đoán vậy) khai lớp bằng một câu chào, "hê lô, hao gà rù" (hello, how are you). Chỉ ba mươi phần trăm học trò hiểu (ai học bằng A tại trung tâm này thì hiểu vì cô đã dạy rồi), còn lại ngẩng cổ như vịt nghe sấm. Sau một lúc, số còn lại cũng hiểu, đó là "hau a du" vì cô là người Hải Rương (Hải Dương) nên phát âm "du" thành "rù" là vậy. Khi cô viết lên bảng thì bảy mươi phần trăm còn lại à lên một tiếng đồng thanh. Cô dạy được nửa tháng thì bai bai lớp và không thấy xuất hiện. Nghe nói cô đi làm phiên dịch cho trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Tây Âu (cô có bà con làm lớn ở Bộ ngoại giao, có người nói thế ).

Nhà trường thông báo thay giáo viên. Cô giáo mới hơn cô trước vài tuổi, ăn mặc bảnh chọe, áo xanh đọt chuối có con chim công mổ trước ngực tại nơi nhạy cảm (hẳn cô yêu thiên nhiên lắm mới cho chim mổ vào chỗ đó). Cô đến trường và về nhà luôn có người đàn ông tuổi xấp xỉ năm mươi, nghe nói làm chủ tàu nhưng không biết là tàu thủy hay tàu bay, dáng hình quả táo tàu, đưa đón bằng xe máy hãng SYM (cũng là người Tàu làm cả) và chào nhau bằng tiếng…Việt. Bước vào lớp, cô cúi đầu gập lưng như người Nhật, rồi cất giọng, " Xin cháo cá lợp"(xin chào cả lớp). Một nửa hiểu (chủ yếu là quê từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên) số còn lại thì không. "Xin giời thiêu (giới thiệu), tôi tên Vính (Vinh), ở thành phố Vính, học đại học Vính, gốc là huyện Nghỉ Lo (Nghi Lộc), mới vô Vính vai nắm (vài năm)".

Giở sách, cả lớp đọc theo cô như vỡ lòng học abc. Cô chấm sinh viên Mạnh lớn tuổi nhất, tính theo tiêu chuẩn tóc bạc, công tác tại công ty đô thị thành phố. Học lấy bằng để được bổ nhiệm phó phòng phụ trách hút hầm vệ sinh và chữa cây bị bệnh do các ông tè bậy trên vỉa hè. Trò Mạnh nêu câu hỏi, cô trả lời.

Đại loại như trò chơi hỏi xoáy, đáp xoay trên ti vi. Sinh viên tóc bạc lí nhí "hau rè đu" (how are you). Cô đáp lại một cách mau mắn "ẻm phải". Cả lớp một phen ngẩng tai như gà nghe pháo giao thừa. Một nửa hiểu, một nửa thì không vì đó là "em phai" (I'm fine). Thực ra, hiểu tiếng Việt của cô còn khó hơn hiểu tiếng Anh.

Ba tháng trôi qua, trình độ hiểu tiếng Việt (tiếng địa phương của cô) có nâng lên chút đỉnh nhưng trình độ tiếng Anh thì vẫn y nguyên. Buổi kết thúc học kỳ một, cô nói lời tạm biệt lớp, cô nói bằng tiếng Việt để diễn tả nỗi xúc động của mình (nói tiếng Anh sợ trò hiểu nhầm thì chết). Ngoài trời mưa phùn, trong lớp học trò mưa nước mắt khi biết cô theo chồng đi Đài Loan, sang đó cô dạy tiếng…Việt cho người Việt gốc Hoa.

Thầy giáo bước vào phòng, khác hai cô giáo trước, để giữ gìn bản sắc tiếng Việt bị tiếng Anh đe dọa, thầy đứng nghiêm như quân đội dưới cờ, giơ tay phải lên trời (tay trái ôm cặp, nếu không có cặp chắc chắn thầy cũng giơ hai tay) như lãnh tụ chào công chúng và buông câu trụn lủn "xin chè các bà" (xin chào các bạn). Thầy có cách dạy sáng tạo là tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh và tiếng Anh xen Việt như món trộn sa lát.

Ví dụ, "students (sinh viên) của chúng ta study (nghiên cứu) rất là very good (tuyệt vời)" hoặc "anh chị nào muốn presents (trình bày) thì hand up (đúng ra là to raise one's hand – giơ tay lên )", hoặc "mời anh sitdown" (ngồi xuống). Đại loại như thế. Thầy tâm sự thật lòng, "chưa có giáo viên, tôi dạy thay một buổi, có gì thiếu sót mong anh chị thum củm (thông cảm), có điều kiện mời đến công ty tôi tại Sờ Lòn ….thư gĩan cuối tuần, xin "cắt bơ" (goodbye – tạm biệt).

Thầy người Quảng Nôm (Quảng Nam) pha Quảng Ngỡ (Quảng Ngãi) vì cha và mẹ là hai tỉnh đó, nhưng sinh ra tại Qui Nhơn và lớn lên tại Nha Trang, làm việc tại công ty giải trí Sờ Lờ có lá mít tờ đờ (SL co.,ltd), vốn đầu tư nước ngoài năm mốt phần trăm, hèn chi thầy nói nửa Anh nửa Việt.

Lớp trưởng thông báo tin mừng là "nhà trường thuê giáo viên bản ngữ dạy một buổi sáng chủ nhật. Vì ngoại khóa nên phải đóng tiền, một người một trăm ngàn, ai không đóng xin mời đứng ngoài cửa mà nghe". Lớp chỉ vắng mấy trò là sinh viên chưa làm ra tiền, còn lại tham dự đầy đủ, lâu lâu mới có dịp may, bỏ qua là tiếc lắm .

Sáng chủ nhật, trò nam ăn mặc sáng sủa, trò nữ ăn mặc diêm dúa như đi đám cưới, nước hoa thơm lừng từ trên tóc xuống tận dưới…giày. Đúng bảy giờ, thầy giáo bước vào lớp. Thầy người da đen. Thầy làu bàu trong miệng, không ai hiểu thầy nói gì. Một vài từ nghe như là tiếng Anh, lại như tiếng Pháp hay tiếng Ả rập, Ấn độ gì đó không ai đoán được. Thầy dạy không cần sách vở, thầy nói bằng tay nhiều hơn bằng mồm, chỉ trỏ lung tung. Thầy nói cứ nói, trò nhìn cứ nhìn, ai có việc nấy. Hết hai tiết dạy đúp, thầy "goodbye", chỉ có câu này là nghe rõ nhất. Mọi người thắc mắc, "sao đóng tiền một buổi mà dạy có hai tiết". May đấy, thầy kéo dài thêm e rằng lớp bỏ về hết nên ai cũng vui vẻ, không ai đòi tiền lại. Mười lăm phút sau, đại diện giáo vụ đến xin lỗi lớp là bị lừa, nguyên do, khi liên hệ thì người Mỹ thiệt, nhưng khi giao hàng thì cũng người Mỹ nhưng gốc Zimbabue. "Mấy thằng Tây ba lô thiếu tiền trọ giở trò đồi bại, rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm", thầy xoa tay và nở nụ cười như hoa loa kèn.

Lớp phó Tào Đang Bắt (đang đảm chức trưởng phòng quản lý thị trường an ủi thầy, "nước mình xài đồ giả quen rồi, việc này là bình thường thôi, có chi mà buồn hả thầy".

Học kỳ cuối, giáo vụ thông báo thầy trưởng bộ môn đứng lớp. Thầy tên Trí người Nha Trang, dạy từ trước giải phóng. Thầy chào lớp bằng tiếng Anh, người Việt mà thầy nói như người Mỹ (vì hơn mười năm du học tại Mỹ).

Giờ giải lao, tổ trưởng tổ ba Nguyễn Pháp Luật (trưởng phòng tư pháp), băn khoăn hỏi, "sao thầy không ở nước ngoài". Thầy từ tốn, "ở bên đó rồi thì biết, cái gì cũng có giá của nó, tôi không rời được giàn hoa giấy nhà tôi trên đường Hùng Vương và buổi chiều đi dạo bãi biển Nha Trang, ở đây cũng có nhiều việc phải làm". Được biết, thầy đã dịch năm đầu sách và soạn thảo nhiều tài liệu giảng dạy trong nhà trường. Cuối kỳ, lớp trưởng Đặng Tập Hợp (chuyên viên Sở Nội Vụ) thông báo nộp một người một triệu gọi là bồi dưỡng cho thầy nhưng thực chất là mua bằng.

Lớp phó học tập là Nguyễn Thị Tính Toán (chuyên viên sở kế hoạch đầu tư) giải trình, "chi một triệu mà lên bậc lương thử hỏi lời hay lỗ". Mọi người vỗ tay "sáng suốt, sáng suốt". Các em sinh viên từ chối vì "bọn em thừa sức qua cầu mắc chi phải nộp".

Trước ngày thi một tuần thầy kèm lớp bốn buổi ngoài giờ. Giờ cuối cùng, lớp trưởng tặng thầy món quà gói giấy màu đỏ, trong có phong bì mỏng (đã đổi ra tiền đô cho nhẹ), thầy nhận và chúc lớp thi cử đạt điểm cao .

Kết quả như dự đoán, số khá giỏi thuộc về các trò sinh viên chưa làm ra tiền, số còn lại đạt trung bình (trên điểm bốn làm tròn lên năm). Lớp liên hoan, thầy đến dự và chúc mừng. Cuối tiệc, giọng thầy khản đặc (chắc thầy kèm lớp ngoài giờ hơi bị nhiều) "thầy tạm biệt Trung tâm để làm việc khác". Thầy nói, "rất tiếc không được tiếp tục giảng dạy, thầy tặng lớp món quà" và yêu cầu khi thầy về mới được mở ra, rồi bắt tay mọi nguời. Mấy trò nữ sồn sồn rút khăn mùi soa chấm chấm trên mắt.Thầy hòa vào dòng người lam lũ hối hả trên đường mưu sinh.Lớp trưởng mở chiếc hộp bằng tre, trong có đựng phong bì, tay run run như bắt tay cấp trên, mặt tái như bài thi ngậm nước.Số tiền tặng thầy còn nguyên, những tờ đôla mỏng cứng và sắc như dao cạo.

Liên hoan kết thúc, không ai chào ai, mọi người lặng lẽ ra về .

Nha Trang 

Filed under: