Việt Nam: Sau Hội nghị trung ương, đấu đá trong nội bộ lãnh đạo Đảng có thể còn tiếp diễn

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

Việt Nam: Sau Hội nghị trung ương, đấu đá trong nội bộ lãnh đạo Đảng có thể còn tiếp diễn — Không Dễ hạ Ba Dũng
VTT-ZZOCT-12-nguyentandung-sang-trong-danlambao

Hội nghị Ban chấp hành trung ương vừa bế mạc ngày hôm qua 16/10/2012, với kết quả là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không bị kỷ luật, như dự đoán của một số người. Thế nhưng, cuộc họp vừa qua cho thấy là đấu đá trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng có thể còn tiếp diễn, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiểu khó khăn và áp lực ngày càng tăng lên chính phủ Hà Nội.

Trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng, lại công khai thừa nhận những «khuyết điểm» như thế. Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương hôm qua, tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã «nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém», đồng thời Bộ Chính trị xin được «nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị».

Tuy ông Nguyễn Phú Trọng không nêu tên cụ thể, nhưng ai cũng thừa biết «đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị» đó chính là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đang bị chỉ trích rất nặng nề về tham nhũng, quản lý kinh tế yếu kém và lạm quyền.

Hội nghị Trung ương đã được triệu tập bất ngờ và kéo dài đến hai tuần chính là nhằm bàn về số phận của ông Nguyễn Tấn Dũng, nói đúng hơn lẽ ra đó đã là dịp để phe Nguyễn Phú Trọng -Trương Tấn Sang gạt ông Dũng ra. Nhưng cuối cùng, Ban Chấp hành Trung ương lại không làm theo yêu cầu của Bộ Chính trị, quyết định không kỷ luật tập thể Bộ Chính trị, mà cũng không kỷ luật riêng ông Nguyễn Tấn Dũng. Ban Chấp hành Trung ương chỉ yêu cầu Bộ Chính trị «có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, không để các thế lực thù địch, xuyên tạc, chống phá».

Kết quả này đã gây thất vọng cho nhiều người, đặc biệt là cho giới blogger chính trị, mà trong thời gian qua đã liên tục đả kích thủ tướng Việt Nam. Sau hội nghị, thế lực của ông Dũng có sẽ suy yếu hơn, hay trên thực tế chính ông là người thắng cuộc ? Hiện giờ khó có thể khẳng định dứt khoát, vì không ai biết hết những gì xảy ra trong hậu trường trong hai tuần hội nghị vừa qua. Nhưng một điều chắc chắn là việc Bộ Chính trị phải công khai thừa nhận «những khuyết điểm» cho thấy là ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chịu áp lực ngày càng mạnh, nhưng lại chỉ lo đấu đá nội bộ, hơn là đối phó với những thách thức lớn lao về kinh tế. Hiện giờ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang rất èo uột, lạm phát tăng trở lại, đầu tư trực tiếp của nước ngoài sụt giảm mạnh, trong khi hệ thống ngân hàng thì đầy nợ xấu.

Theo nhận định của giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia Úc về Việt Nam, qua kết quả hội nghị trung ương, có thể dự báo là Việt Nam sẽ còn gặp nhiều xáo trộn. Ông nhắc lại rằng, chế độ Hà Nội bao giờ cũng cố duy trì sự ổn định. Đẩy ông Nguyễn Tấn Dũng đi sẽ gây mất ổn định rất lớn và sẽ khiến tình hình kinh tế thêm tồi tệ. Thành ra, không ai dám đi đến một giải pháp cực đoan, mà chọn một giải pháp trung dung.

Ông Joshua Matthews, một nhà phân tích đầu tư ở Hồng Kông cũng cho rằng, quyết định hôm qua của Hội nghị Trung ương cho thấy đấu đá giữa ông Dũng và các đối thủ của ông sẽ tiếp diễn, gây khó khăn thêm cho những nỗ lực cải tổ hệ thống tài chính ở Việt Nam.

Về phần ông Rajif Biswas, kinh tế gia thuộc công ty IHS Global Insight, thì nhận định là kể từ nay có một áp lực đáng kể lên chính phủ buộc phải có biện pháp ổn định kinh tế và giải quyết khủng hoảng ngân hàng. Nhưng theo ông Biswas, đấu đá chính trị trong nội bộ ban lãnh đạo Việt Nam có thể ảnh hưởng đến nhịp độ cải tổ kinh tế, vì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn được xem là một lãnh đạo nắm vai trò chủ chốt trong tiến trình cải tổ.

Theo AFP, những người chỉ trích chính quyền thì sợ rằng mọi việc sẽ vẫn như cũ và điều đó sẽ gây tổn hại cho chế độ cũng như cho người dân và sẽ không có gì ngăn chận được nạn tham nhũng tràn lan. AFP trích lời một quan chức cao cấp nói rằng: «Cho dù ai thắng cuộc sau những đấu đá chính trị, vẫn chính là người dân gánh chịu các hậu quả».

Thanh Phương

www.vietthuc.org

Không Dễ hạ Ba Dũng


Đại hội Đảng Cộng sản Hạ màn
Tôi đã tiên đoán không sai: không dễ hạ được ba Dũng. Lý do đã nói, không nhắc lại.


Những người chống ba Dũng thì rất nhiều. Lý do: Trâu cột ghét trâu ăn. Những người muốn ba Dũng đi xuống chỉ có mục đích thế chỗ của Dũng. Tức lý do hạ bệ Dũng là không chính đáng. Ai chứng minh được là sẽ khá hơn Dũng về khả năng và đạo đức? Thực ra, một người tốt nghiệp trung học hạng xoàng cũng có thể hơn Dũng về khả năng rồi. Nhưng nói là một việc, chứng minh mới là việc khó.

Phe chống đối đã mở ra các trang web và tung lên đó nhiều hồ sơ "mật" – đúng sai không thể kiểm chứng, nhằm kết tội Dũng và đồng bọn – đọc té ghế. Lý ra, việc hạ Dũng sẽ "khả thi" hơn nếu những người đứng sau các trang báo này chịu khó chứng minh các "hồ sơ" mật kia là có cơ sở. Việc này không khó khăn. Tuy nhiên, có lẽ vì tối mắt do thù hận cá nhân, các hồ sơ chỉ nói "chung chung", bằng chứng khoa học thiếu sót trong khi lời lẽ chụp mũ, bôi nhọ cá nhân thì rất phong phú. Vì ở thời nào, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải… hay ai đó, tình trạng tham nhũng rút ruột các công trình vẫn như nhau. 

alt
"Đồng chí" Nguyễn Tấn Dũng
 
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sản phẩm của ông Kiệt, mới khánh thành lại phải đắp mền vài tháng để bảo trì. Vinashin, cú đấm thép (làm vỡ mặt nhân dân) là sản phẩm của ông Khải, nhưng do ý kiến của ba ông cố vấn. Hệ thống tròng tréo ở ngân hàng là do từ kế hoạch bắt chước "tập đoàn – chaebol" của Đại Hàn, tức từ thời ba ông… Việc hút dầu các mỏ ngoài khơi Vũng Tàu bán lậu cho tàu dầu nước ngoài đã có từ thời mới mở của. Việc mua quan bán chức, từ công an huyện cho đến ghế ủy viên TU, thậm chí ghế bộ trưởng… đều được treo giá từ thời bộ ba Mười, Anh, Kiệt.
Đến thời Dũng, cũng bấy nhiêu sự việc đó, có điều tình hình tồi tệ thêm. Việc tròng tréo trong hệ thống ngân hàng đã trở thành những sợi dây thừng thắt họng nhân dân. Các cú đấm thép đã vỡ nợ, đập thẳng vào mặt nhân dân. Đám con và tay chân ba Dũng học mánh lới của học phái kinh tế "néolibérale", lợi dụng sự tròng tréo không minh bạch trong hệ thống kinh tế nhà nước, dĩ công vi tư, có trách nhiệm làm gia tốc tình trạng tồi tệ hệ thống kinh tài không minh bạch.   Trăm dâu đem đổ đầu ba Dũng là không đúng. Lãnh đạo nào, trước ba Dũng cũng là như thế, mà sau ba Dũng cũng sẽ là như thế. Cái hệ thống nó đã như thế, đổ thừa cho ba Dũng là không thuyết phục.

Tình trạng trâu cột ghét trâu ăn là việc thường thấy trong bất kỳ xã hội nào. Riêng xã hội Việt Nam, việc phân bổ lợi tức quốc gia và kế hoạch tiến cử nhân sự điều hành bộ máy nhà nước đều nằm trong tay người có quyền hành nhứt, tức người thực quyền lãnh đạo đảng (mà không qua luật lệ hay do quá trình tuyển chọn minh bạch như trong các xã hội dân chủ tự do).
Trong thời kỳ vô sản, người nào "rách rưới" nhứt lại là người có tư cách (lãnh đạo) nhứt. Vì vậy trong bộ máy nhà nước không có nạn mua quan bán chức và nạn tham nhũng cũng ít thấy trong xã hội. Tuy nhiên, thời kỳ đó lại sinh ra những lãnh tụ độc tài sắt máu. 

Nhưng từ khi cấy "gen" kinh tế thị trường vào thân cây vô sản thì hệ thống đó lại sinh ra những quái vật, như ba Dũng. Như đã viết trước đây, Ông Dũng, trước khi làm thủ tướng, đã từng lãnh đạo công an trong thời kỳ nội an chưa ổn định, sau đó phụ trách mảng kinh tế trong thời kỳ CSVN chủ trương "mở cửa".

Ông Dũng có thiên thời lẫn địa lợi. Ông ta có cơ hội lý tưởng và thời gian cần thiết để cài cắm người của mình trong ngành an ninh cũng như nắm huyết mạch kinh tế quốc gia. Ai cũng biết, tất cả sự giàu sang của các đảng viên đều đến từ tham nhũng hay hối mại quyền thế. Dĩ nhiên, do nghề nghiệp, ông Dũng đã nắm hồ sơ đen của đảng viên tham nhũng này (phần lớn là cao cấp). Ngoài ra một số đảng viên cao cấp khác thì mang ơn ông Dũng đã cân nhắc vào chỗ ngon lành. Vì vậy, những con trâu cột, tuy có rất nhiều trong xã hội, nhưng lại là thiểu số trong bộ máy nhà nước.

Muốn hạ ba Dũng đâu có dễ! 
Vấn đề là do "hệ thống" chứ không phải do "con người".  Một người "hiền lương" lên lãnh đạo thì cũng sẽ như ba Dũng, hay tệ hơn (nếu thông minh hơn ba Dũng). Nhiều người muốn hạ ba Dũng xuống, đơn giản chỉ vì ghét ba Dũng, cần cân nhắc lại. Cái hệ thống nó như thế. Những người có quyền là có tiền. Những người có tiền thì sống liên đới, bảo vệ lẫn nhau. Quí vị ủy viên Trung Ương đều là người có tiền. Cũng là trâu, ganh tị ở chỗ con ăn ít con ăn nhiều. Nhưng để còn được ăn những con trâu này phải bảo vệ ba Dũng.  Bằng chứng sờ sờ nhưng làm gì được nhau?

Chỉ tội cho những nhà báo "năng nổ" nhưng trót dựa lưng phải một "con trâu" vào thời kỳ bị cột. Lúc trâu ăn nhà báo hưởng xái. Lúc trâu cột là lúc nhà báo bày tỏ hành vi "lê lai cứu chúa" (lê lai không viết hoa). Nhưng vấn đề là, để thuyết phục, cần phải có những số liệu rõ rệt, những bằng chứng cụ thể. Bằng không, viết hay đến mấy cũng chỉ là lời chửi đổng.

Xin chia buồn và hy vọng ở hiệp hai.

 
Trương Nhân Tuấn

Filed under: