Thâm Thủng Mậu Dịch trong Hệ Thống Mỹ Kim Bá Chủ

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

VTT-ZZOCT-22-biz trade

Quyết toán mậu dịch[1] là tổng kết các khoản lượng giá nhập cảng [chi] và xuất cảng [thu] hàng hoá và dịch vụ giữa một quốc gia và thế giới bên ngoài.  Thâm thủng mậu dịch[2] xẩy ra khi quyết toán mậu dich tiêu cực [negative balance] trong trường hợp nhập cảng [chi] hàng hoá và dịch vụ từ nước ngoài trội hơn xuất cảng tương đương.  Ngược lại, nếu xuất cảng hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài trội hơn nhập cảng, quyết toán mậu dịch sẽ tích cực [positive balance] và nước đó sẽ thực hiện thặng dư mậu dịch.[3]

Một nước mua nhiều, bán ít, làm cách nào để thanh toán chi phí nhập cảng quá mức hàng hoá và dịch vụ từ nước ngoài? Liệu hiện tượng thâm thủng mậu dịch có minh hoạ toàn cảnh mậu dịch quốc tế và nhịp độ giao dịch giữa một quốc gia và thế giới bên ngoài?

Hiện Tượng Thâm Thủng Mậu Dịch

Dân chúng, doanh nhân và các hãng buôn thi hành mậu dịch vì họ muốn đổi trác số hàng hoá, kỹ thuật khác nhau, đồng thời vận động thu nhập lợi tức. Cách thức lượng giá hàng hoá, dịch vụ khác nhau, căn cứ vào khả năng tiêu thụ, nhu cầu và sở thích của dân chúng trong nước.

Vậy, mức độ mậu dịch thay đổi từ nước này so với nước nọ, căn cứ vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực kinh tế quốc gia; vào kỹ thuật đầu tư và kiến thức nhân sự; cũng như vào khả năng thẩm định, chọn lựa sản phẩm, dịch vụ cần thiết, ưa chuộng.

Những khác biệt về môi sinh, văn hoá, kỹ thuật, giáo dục trên ấn định phí tổn sản xuất, giá cả sản phẩm, dịch vụ liên hệ. Do sự dị biệt về giá cả và phẩm lượng sản xuất, người dân và các nhà kinh doanh có khuynh hướng buôn bán, trao đổi số hàng hoá, dịch vụ cung ứng rẻ tiền cho những nơi có nhu cầu, vì hàng hoá khan hiếm, dịch vụ đắt đỏ, khiếm khuyết.

Trong khung cảnh mậu dịch toàn cầu, khi hàng hoá được bán, dịch vụ được cung cấp qua ranh giới, hàng hoá và dịch vụ đó thuộc phạm vi xuất cảng ra nước ngoài.  Ngược lại, một nước cần sản phẩm và dịch vụ từ ngoại quốc phải lo nhập cảng hàng hoá và dịch vụ cần thiết.

Tình trạng thâm thủng mậu dịch xẩy ra khi tổng lượng giá nhập cảng cao hơn tổng lượng giá xuất cảng, qua các mối giao thương song phương [như mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc], hay đa phương trên thị trường khu vực hoặc toàn cầu.

Căn Nguyên Phát Xuất Thâm Thủng Mậu Dịch

Một quốc gia phát triển nhanh hơn các quốc gia khác có khuynh hướng mua xắm nhiều hơn, để tiêu thụ và đầu tư trong nước, nhất là khi sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nhập cảng có bề rẻ hơn, so với hàng hoá, dịch vụ quốc nội; khi thủ tục và thuế nhập cảng ở mức độ khả chấp, thông thương; hoặc khi người dân hay các cơ sở thương mại, kinh doanh trong nước đặc biệt ưa thích sản phẩm nước ngoài nếu những nước đó có khả năng cung cấp dụng cụ có giá trị kỹ thuật cao; máy móc toàn hảo; sản phẩm điện tử tối tân; trang phục, trang sức với nhãn hiệu nổi tiếng, v.v.

Tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, các nước Âu Châu, có nhiều di dân tới sinh sống [gốc Á châu, Âu châu, Mỹ La-tinh] nên số lượng hàng hoá đặc sản từ các quốc gia "gốc" cần được nhập cảng ồ ạt để thoả mãn nhu cầu của khối di dân còn thiết tha với nhu yếu phẩm "thổ sản", khan hiếm trên "xứ người".

Tại Hoa Kỳ, tình trạng thiếu hụt mậu dịch đã trải qua hơn một phần tư thế kỷ, nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu thụ và đầu tư trong nước mỗi lúc mỗi cao, đa dạng, tinh vi. 

Tỷ giá hối đoái bất thường của nhân dân tệ [Chinese Yuan] cũng giúp gia tăng nhập cảng hàng hoá, dịch vụ [thành giá rẻ hơn] vào Hoa Kỳ, đồng thời hạn chế xuất cảng sản phẩm, dịch vụ từ Hoa Kỳ [thành giá đắt hơn] sang Trung Quốc.

Trong tình trạng mua [nhập cảng] nhiều hơn bán [xuất cảng], để thanh toán phần thặng dư mua, Hoa Kỳ đã phải xuất tiền mua, hay vay nợ bằng cách chuyển hoán Mỹ kim và Ngân Khố phiếu. 

Ngoài hình thức thanh toán mậu dịch, còn thêm tình trạng cá nhân và pháp nhân ngoại quốc [Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam] muốn đầu tư dự trữ Mỹ kim và Ngân Khố phiếu của Hoa Kỳ, nên kết cọc tiền tệ của họ [peg currency] vào đồng Mỹ kim.

Nếu số lượng nhập cảng được xử dụng thích ứng, hữu hiệu và số tiền vay mượn để thanh toán phần thâm thủng mậu dịch qua dự trữ Mỹ kim và Ngân Khố phiếu có thể giúp nền kinh tế Hoa Kỳ gia tăng phát triển, nhờ đó có khả năng trả nợ các cơ sở kinh tài ngoại quốc, thì tình trạng "thâm thủng mậu dịch" không mấy đáng lo ngại.

Nhưng nếu phần nhập cảng và vốn liếng tiền tệ đầu tư vào Hoa Kỳ không giúp phát triển nền kinh tế ở đây, thì khả năng thu hút thêm vốn liếng đầu tư tại Hoa Kỳ sẽ gia giảm, gây tình trạng kinh tế suy thoái thêm trầm trọng.

Hệ Thống Mỹ Kim Bá Chủ và Hiện Tượng Thâm Thủng Mậu Dịch

Tuy nhiên, chúng ta đã thấy tiền Mỹ kim được "quốc tế hoá" qua Thoả Ước Bretton Woods, năm 1944.[4] Và từ thập niên 1970 tiền Mỹ kim trở thành trữ kim quốc tế qua hệ thống "petrodollar", nhờ đó làm tăng giá trị hối đoái của đồng Mỹ kim.[5]

Quan trọng hơn cả, khi Mỹ kim trở thành trữ kim quốc tế, Hoa Kỳ chiếm đoạt được cái thế độc nhất:

  • thao túng in tiền tệ một cách rộng rãi để trả nợ, thanh toán các chi phí căn bản như mua dầu thô và tài trợ cho các dự án phát triển, kỹ thuật, quân sự;
  • mà không cần ấn định giới hạn;
  • miễn các quốc gia trong hệ thống mậu dịch nhu yếu phẩm vẫn tín nhiệm;
  • và chưa có ai cạnh tranh nổi về mặt hối đoái quốc tế.

Cần nhấn mạnh rằng hệ thống "petrodollar" liên kết với Mỹ kim trong thế trữ kim quốc tế cần phải đi song song với chế độ bất quy định tiền tệ [6]khiến hối đoái thả nổi trong các mậu dịch quốc tế có trao đổi ngoại tệ.  Cả ba khía cạnh kinh tế tài chính này đã tạo dựng hiện tượng  "Mỹ kim bá chủ"/Dollar Hegemony/[7] song song với thế lực bá chủ quân sự của Hoa Kỳ trên thế giới cuối thé kỷ 20.

Dù muốn, dù không, đa số các quốc gia trên thế giới tới giờ phút này vẫn ưa chuộng, tin cậy vào thực chất ổn định, thông dụng của Mỹ kim và Công khố phiếu Hoa Kỳ.

Bản tường trình của Bộ Ngân Khố/Tài Chính Hoa Kỳ trong năm 2008 cho thấy đồng Mỹ kim dùng làm trữ kim quốc tế đã bắt đầu suy thoái, nhất là trong thập niên cuối của thế kỷ 20 . Tuy nhiên cho tới năm 2009, đồng Mỹ kim vẫn giữ mức độ từ 60% tới 70% tổng số tiền tệ dự trữ tại các ngân hàng trung ương quốc tế, trong khi đồng Euro thì ở mức từ 20% tới 30%, còn Anh kim [Sterling] và Nhật kim [Yen] chỉ giành được vài phần trăm  trong quỹ dự trữ quốc tế.

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật tài chính, muốn thực hiện và duy trì ưu thế cao của tiền tệ dự trữ quốc tế, đồng Mỹ kim phải hội đủ một số tiêu chuẩn cần và đủ như sau:

  • tầm cỡ khối kinh tế trong nước khả quan;
  • mức quan trọng của mậu dịch quốc tế;
  • tầm cỡ, chiều sâu và mức độ cởi mở, trong sáng của khối tài chính;
  • khả năng chuyển hoán của tiền tệ;
  • mức độ ổn định của tiền tệ;
  • luật lệ quốc nội và chính sách tiền tệ minh bạch.

Đặc biệt Nhật Bản, Trung Hoa, và cả Việt Nam, vì đã dự trữ nhiều Mỹ kim và Ngân Khố phiếu của Hoa Kỳ, hoặc kết cọc tiền tệ của họ [peg currency] vào đồng Mỹ kim, nên vì quyền lợi chung, các quốc gia này vẫn phải giữ số tiền tệ dự trữ hay kết cọc bằng Mỹ kim ở mức độ cần thiết để khỏi mất giá tiển tệ đầu tư liên hệ.

Để Tạm Kết

Đến giờ phút này Đồng Mỹ kim vẫn vứng vàng dẫn đầu [gần 70% tổng số dự trữ] trong canh bạc đầu tư hay liên kết tiền tệ mậu dịch quốc tế trên vì thực sự chưa thấy có "đấu thủ" nào đủ tầm vóc cạnh tranh đồng Mỹ kim.

Tuy nhiên nếu đồng Mỹ kim muốn củng cố và duy trì vị thế "bá chủ tiền tệ" trên thế giới trong vài thập niên tới, Hoa Kỳ phải tìm cách nhanh chóng giảm thiểu khoản nợ kếch sù toàn quốc, nay lên tới hơn 16 ngàn tỷ Mỹ kim [16 trillion US dollars, Sep. 2012], trong đó có hơn một ngàn tỷ Mỹ kim [1trillion] nợ Trung Quốc, và tạo dựng lại một nền kinh tế thịnh vượng tự duy, phát động sinh khí và năng lực sáng tạo mới mẻ, trong sáng, khả tín.[8]

Bằng không, nội giữa thế kỷ 21, thế giới sẽ khai phát một hiện tượng tam đầu chế [triumvirate][9], với thế lực kinh tế tài chính phân thành ba "đầu nậu" ngang ngửa 33% mỗi vai vế: Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc.

Canh bạc tài phiệt lúc đó thêm gian lận, sát phạt nhau bằng những canh xì phé tiền tệ đa nguyên hay xập xám chướng nhân tệ "made in china".

TS-LS. Lưu Nguyễn Đạt

www.vietthuc.org
alt

CHÚ THÍCH

[1] The balance of trade, or net exports is the difference between the monetary value of exports and imports of output in an economy over a certain period. It is the relationship between a nation's imports and exports. A positive balance is known as a trade surplus if it consists of exporting more than is imported; a negative balance is referred to as a trade deficit or, informally, a trade gap. The balance of trade is sometimes divided into a goods and a services balance.

[2] Thâm thủng mậu dịch chuyển ngữ từ "trade deficit"

[3] Thặng dư mậu dịch chuyển ngữ từ "trade surplus"

[4] "Bretton Woods Agreement", Addison Wiggin, The Daily Reckoning, November 29th, 2006; "Bretton Woods Convention Reorganizes World Economy", The Econ Review, Benjamin J. Cohen, "Bretton Woods System"

[5] "Diễn Biến Đồng Mỹ Kim Trong Canh Bạc Thế Giới", Việt Thức, Lưu Nguyễn Đạt, TS, LS, September 10, 2011

[6] What does deregulation of Chinese Yuan mean? DEEPAK in deregulation,USA,china,yuan, inflation,what is inflation,effects of inflation,learning to live with inflation

[7] Dollar Hegemony and the Rise of China, Michael Hudson

[8]https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/us.html — CIA World Factbook, the 2010 debt-to-GDP ratio in the US was 53.5%. Trong khi IMF lại đưa ra tỷ lệ 92.7%, như trong bản so sánh dưới đây.

Trung Quốc chỉ công bố số nợ công là  19.12% GDP, bằng một phần mười [10%] số nợ thực sự là gần 200% GDP.  Như vậy, trên thực tế, Trung Quốc nợ gấp đôi Hoa Kỳ [96% GDP-2011] và gần bằng Nhật Bản [225% GDP-2010]. Xem bản so sánh dưới đây:

Rank Country % of GDP(CIA and Eurostat) Date % of GDP (IMF) Date Continent
1 Japan 225.8 2010 est. 225.8 2010 Asia
37 United States 58.9 2010 est. 92.7 2010 North America
111 China 17.5 2010 est. 19.1 2010 Asia

[9] "Economic Triumvirate", Robert J. Samuelson, The Daily Beast, Dec 19, 2008

Filed under: