Ngày tàn của hàng nhái tại Trung Quốc

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

Chinaounterfeit8

Minh Anh - Đã từ lâu, các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài phải chịu nhiều thiệt hại do nạn « hàng nhái », hàng sao chép của Trung Quốc hoành hành. Thế nhưng, với mục tiêu ưu tiên phát triển các công nghệ mới và với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu trong nước, chính quyền Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch chống hàng « sơn trại ». Liên quan đến chủ đề này, nhật báo Le Monde số ra hôm nay có bài phân tích đề tựa « Hành trình dài của Trung Quốc từ hàng nhái cho đến sự cách tân ».

Theo Le Monde, nạn sao chép và làm hàng « sơn trại » (tức là hàng nhái, theo cách gọi của người Trung Quốc) lan tràn trên mọi lãnh vực : từ chiếc điện thoại cầm tay đời mới nhất cho đến thực phẩm như là rượu whisky chẳng hạn. Các công ty đó sao chép một cách sống sượng các thương hiệu lớn trên thế giới.

Le Monde lấy ví dụ điển hình là công ty Visture, chuyên thiết kế các loại máy tính bảng kỹ thuật số. Các chiếc máy tính bảng của họ gần như hoàn toàn dựa theo mẫu mã thiết kế của Apple. Vì vậy, trên thị trường, các nhà quản lý cố gắng tô bóng dòng sản phẩm của họ bằng thương hiệu riêng và đồng thời cũng ráng làm nổi rõ những đặc thù kỹ thuật của sản phẩm.

Sở dĩ các kiểu doanh nghiệp hàng nhái như thế có thể không những trụ vững được mà còn sinh sôi nảy nở là do họ không nhắm đến cùng loại đối tượng khách hàng với các thương hiệu lớn. Chẳng hạn như công ty Visture, khách hàng của họ là những người có thu nhập khiêm tốn, không nghèo cũng không giàu, chẳng hạn như là nhân viên văn phòng hay sinh viên. Những người mà chỉ đi vào các cửa hàng của Apple hay Samsung chỉ để ngắm nghía. Bởi vì, đối với các công nhân nhập cư, trang bị một chiếc máy tính bảng đã chiếm đến hơn một nửa số lương tháng của họ, theo nhận định của ông Lencho Lee, một trong những nhà quản lý trẻ của doanh nghiệp Visture.

Chi phí nghiên cứu và phát triển ít tốn kém cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp hàng « sơn trại ». Không những thế, trên bình diện pháp lý, họ cũng không sợ phải gặp nhiều phiền toái khi nghĩ rằng các tập đoàn lớn chẳng muốn tốn công tốn sức để chống lại các doanh nghiệp « cò con » này.

Le Monde cho biết, chi phí sản xuất cho một chiếc máy tính bảng có hình dáng giống với Apple cũng không quá cao. Họ cũng không xây dựng nhà máy, bởi vì toàn bộ khâu lắp ráp sẽ do một nhà thầu khác đảm nhận và linh kiện có thể tìm thấy ở các nhà cung cấp trung gian ngay trong cùng khu vực.

Hàng « sơn trại » cũng phải cách tân để tồn tại

Gọi là hàng « sơn trại », nhưng các sản phẩm này cũng phải được cách tân theo đúng tầm mức của nó. Trên thực tế, dòng sản phẩm « hàng sơn trại » không nhất thiết phải là một sản phẩm đặc biệt. Bởi vì như vậy các doanh nghiệp đó không có khả năng tài chính để thực hiện.

Giống như lời thú nhận của ông Lencho Lee, « cần phải biết lấy cảm hứng từ các đối thủ cạnh tranh ».  Nhưng sản phẩm của họ cũng phải có nét gì mới lạ. Ít nhất là sản phẩm đó cũng phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu giới tiêu thụ không giàu có này.

Theo quan sát của một nhà nghiên cứu thuộc Học viện tin học về công nghiệp ở Đài Loan, các doanh nghiệp « hàng sơn trại » đó còn cải tiến cả về mô hình. Bởi lẽ, khách hàng tiêu thụ cũng muốn là sản phẩm họ mua phải « xứng đáng đồng tiền bát gạo ».

Mặt khác, thị trường hàng «  sơn trại » lại là một môi trường cạnh tranh khốc liệt mà ở đó các doanh nghiệp cũng phải tính đến từng xu từng cắc. Doanh nghiệp phải được đặt gần với công chúng, để nắm bắt thị hiếu và đáp ứng thị trường một cách nhanh chóng. Song song đó, các doanh nghiệp « hàng nhái » còn phải giảm thiểu các khoản chi tiêu trên mọi mặt, cho dù đó là chất lượng của vật liệu, quảng bá, chứng nhận hay các khoản thuế khóa.

Các cơ sở đó còn biết hội nhập vào dây chuyền công nghiệp tồn tại trước đó với một sự linh hoạt đáng kinh ngạc. Và họ thực hiện kiểu chiến tranh du kích hoang dại. Đối với các tập đoàn đa quốc gia là những đội quân vốn được trang bị kỹ, cuộc chiến chống « hàng nhái » lại là một cuộc chiến công nghiệp không cân xứng. Doanh nghiệp chính thống Trung Quốc cũng bị hàng nhái vạ lây

Chính phủ Trung Quốc cũng biết rằng họ cũng không nên là kẻ đứng đầu trong số nước chuyên bắt chước. Trong các mục tiêu do chính quyền đề ra trong bản lộ trình cho 5 năm sắp đến, nghiên cứu và việc nâng cấp giá trị công nghiệp là những ưu tiên hàng đầu. Bắc Kinh dự tính cứ khoảng 10 ngàn công dân thì có 3,3 bằng sáng chế.

Ví dụ điển hình là tập đoàn điện tử Lenovo hay tập đoàn viễn thông Hoa Vi. Hai tập đoàn này có tham vọng cạnh tranh dưới chính tên thương hiệu riêng của mình với tập đoàn Samsung Hàn Quốc. Do đó, chính quyền cần phải bảo vệ hai lãnh vực tiên phong đó.

Tuy nhiên, theo quan sát của Le Monde, một phần đông các sản phẩm hàng nhái tại Trung Quốc đều liên quan đến các thương hiệu nội địa, chẳng hạn như bia Tsingtao nổi tiếng.

Hơn nữa, sự gia tăng lượng người tiêu thụ giàu có và đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao đã làm cho lượng bán hàng « sơn trại » tụt giảm đáng kể. Cùng lúc này, các thương hiệu chính thống có xu hướng nhắm đến đối tượng khách hàng mới trỗi dậy. Bởi lẽ, họ cũng nhận thấy rằng dù là ít tiền, nhưng loại khách hàng này cũng có chút gì đó để tiêu xài.

Điều này đã khiến cho một số các doanh nghiệp chuyên sao chép bắt đầu nghĩ đến chuyện phải đi theo con đường hợp pháp. Le Monde ghi nhận rằng nhiều thương hiệu hàng « sơn trại » tại Trung Quốc đã thực hiện thành công chuyển từ cơ sở chuyên sao chép thành một cơ sở hợp pháp có tiếng tăm trong nhiều lãnh vực : như điện thoại cầm tay, máy tính bảng cho đến sản xuất xe ô-tô.

Le Monde cho biết, nếu nói về chất lượng, thì giờ đây ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc nói sẵn sàng mua các sản phẩm nội địa. Nếu đúng như vậy, thì có lẽ « ngày tàn của hàng nhái cũng đang đến gần » theo như nhận xét của ông Lencho Lee. Tuy nhiên, Le Monde lưu ý là trang web của công ty anh ta giống hoàn toàn trang web của Apple đến mức có thể nhầm lẫn và được bao bọc bởi dòng chữ xấc xược là « Tác giả giữ bản quyền ».

Chính quyền Trung Quốc khó có thể bóp nghẹt vụ tai tiếng Bạc Hy Lai

Cũng liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde tiếp tục quan tâm đến vụ xử ông cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh thất sủng. Theo nhận định của tờ báo, « Chính quyền Trung Quốc không thể nào bóp nghẹt vụ tai tiếng Bạc Hy Lai ».

Le Monde cho rằng, việc tuyên bố khai trừ đảng vị « quý tộc đỏ » hôm thứ sáu , 28/9/2012 vừa qua cùng với lời buộc tội về những sai phạm và tội ác mà ông Bạc sắp tới sẽ phải trả lời trước pháp luật, cho thấy có những khe hở trong hệ thống quản lý và đòi hỏi tính nhất thiết một cuộc cải cách táo bạo hơn.

Hôm thứ bảy vừa qua, tờ Quang Minh nhật báo, một tờ báo thuộc phe bảo thủ, trực thuộc Ủy ban trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lớn tiếng chỉ trích ông Bạc là đã cố tình thúc đẩy sự nghiệp chính trị của ông qua việc tái tạo lại hình ảnh « Cách mạng Văn hóa ». Tờ báo cho đấy là « Một mô hình chính trị không hợp thức đã dẫn đất nước đến những thảm hỏa chưa từng có ». Sự tấn công này cũng nằm trong hướng cáo buộc do ông Ôn Gia Bảo đưa ra hồi tháng 3 năm nay, vào lúc ông Bạc Hy Lai bị đình chỉ mọi chức vụ.

Tranh luận thêm phần sôi nổi khi có thêm sự tham gia của cậu quý tử Bạc Qua Qua, con trai của đôi vợ chồng. Cậu này đã có những phản ứng đầu tiên đăng trên mạng xã hội Tumblr, từ Mỹ hôm thứ bảy, cho rằng « Riêng cá nhân tôi, tôi khó có thể tin vào các luận cứ chống lại cha tôi. Bởi vì, chúng trái ngược hoàn toàn với những gì tôi được biết về ông trong suốt cuộc đời tôi. Dù rằng các chính sách do ông thực hiện có thể phải đưa ra bàn cãi, người cha mà tôi biết đến là người luôn thẳng thắn với chính niềm tin của mình và tận tâm trong bổn phận ».

Theo nhận định của báo Le Monde, vai trò phía sau mà Bạc Qua Qua có thể đang giữ từ Hoa Kỳ nhằm bảo vệ cha mẹ  là một lý do đáng ngại cho chính quyền. Không có gì cho biết rằng công tử họ Bạc sẽ không bị ngành Tư pháp Trung Quốc để ý tới. Hãng Tân Hoa Xã từng khẳng định rằng « gia đình họ Bạc đã nhận rất nhiều tiền và tài sản » từ nhiều người khác.

Ngành tư pháp cho biết Bạc Qua Qua có ra làm chứng trong phiên xử mẹ cậu bà Cốc Khai Lai, nhưng sự việc đã không được công bố chính thức. Đó cũng là một trong những điểm tối trong vụ án Bạc Hy Lai.

Gần đây, bà Vương Tuyết Mai, chuyên gia pháp y nổi tiếng thuộc Tòa án Tối cao còn làm cho bức màn bí ẩn thêm dày đặc. Bà nghi ngờ biên bản chính thức về vụ đầu độc Neil Heywood bằng chất cyanure. Theo bà các phản ứng được mô tả trong phiên xử bà Cốc Khai Lai « không phù hợp với các quy định khoa học liên quan đến chất cyanure, nhưng tòa án vẫn thông qua ». Bà Vương ghi rằng bà tỏ ra chán nản và cảm thấy khiếp hãi về điều đó.

Hoạt động kinh tế châu Á vẫn còn co cụm

Theo báo Les Echos số ra hôm nay, nhìn chung các nền kinh tế châu Á trong tháng 9 này vẫn tiếp tục suy thoái. Dù là tốc độ xuống dốc có vẻ chậm lại, nhưng triển vọng cải thiện thật sự vẫn chưa thấy rõ. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc đang tỏ ra hụt hơi do khủng hoảng kinh tế tại châu Âu.

« Hoạt động kinh tế châu Á vẫn còn co cụm » là nhận định và cũng là tựa đề bài viết trên trang quốc tế báo Les Echos. Sau khi các nền kinh tế châu Á liên tục trượt đà trong suốt mùa hè năm nay, các thông tin công bố trong tháng 9 cho thấy có dấu hiệu suy thoái đang chựng lại. Tuy nhiên, Les Echos cho rằng sự trở lại của tăng trưởng vẫn còn xa. Theo công bố của Markit Economics, các chỉ số PMI tại Trung Quốc vẫn nằm dưới 50 điểm, ngưỡng cho phép nền kinh tế vượt qua giai đoạn nở rộ.

Trong khi đó, chỉ còn có một tháng nữa là đến kỳ Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, tình hình kinh tế Trung Quốc được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ. Từ năm tháng nay, sức mua sắm của ngành công nghiệp đã tụt giảm mạnh. Nhu cầu nội địa vẫn chựng lại.

Thêm vào đó, nền kinh tế trong nước cũng đã bị đảo lộn do vụ cách chức ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh và gần đây nhất là vụ tranh chấp các quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu của Trung Quốc cũng không mấy sáng sủa. trong vòng 42 tháng liên tiếp, lượng đơn đặt hàng ở bên ngoài đã tụt giảm mạnh. Theo giải thích của chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Société générale của Pháp phụ trách về châu Á, thì việc vực dậy ngành xuất khẩu của Trung Quốc còn lệ thuộc nhiều vào sự cải thiện tình hình kinh tế tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Và điều đó dường như khó có thể thực hiện được trong ngắn hạn.

Kinh tế Trung Quốc chựng lại cũng không làm cho các nước láng giềng cảm thấy vui sướng gì hơn. Trong tháng 9 vừa qua, chỉ số Tankan của Nhật Bản – được công bố hàng quý cho thấy tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp lớn đã rơi xuống mức -3 thay vì là -1 trong tháng 6. Lần thứ tư liên tiếp chỉ số Tankan nằm dưới mức 0. Không chỉ có hai cường quốc kinh tế đó đang phải chịu đựng, mà xuất khẩu Hàn Quốc cũng đang có hướng đi xuống, bất chấp sự thành công của Samsung.

Trong bối cảnh ảm đạm đó, nhiều lãnh vực cho là có dấu hiệu cải thiện. Hiệp hội vận tải và kho bãi Trung Quốc ghi nhận « sự hồi phục từ từ của nền kinh tế ». Les Echos cho rằng đây là cơ quan duy nhất trên thế giới nhìn nhận như thế.

Khí hậu ấm dần ảnh hưởng đến sự phát triển của loài cá

Trên lãnh vực môi trường, báo Le Figaro đưa ra cảnh báo « Khí hậu ấm dần sẽ làm giảm trọng lượng cá ». Một số loài cá có thể sẽ mất đi ¼ trọng lượng trung bình hiện nay vào năm 2050.

Từ nhiều thập niên nay, các loài các đã phải gánh chịu nạn đánh bắt quá mức. Giờ đây, cộng thêm với hiện tượng « hiệu ứng nhà kính », hiện tượng khí hậu trái đất ấm dần lên có thể có một tác động đến sự phát triển của loài cá.

Theo một nghiên cứu được công bố trên mạng Internet của Tạp chí Nature Climate Change, ngày 29/9/2012, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Vancouver (Canada) tính ra rằng từ đây cho đến năm 2050, các loài cá có thể sẽ bị mất trong khoảng từ 14% đến 24% trọng lượng trung bình tối đa hiện nay.

Nghiên cứu được thực hiện trên 600 loài, và được dựa vào kịch bản bi quan nhất của Nhóm Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC).

Tác động của biến đổi khí hậu lên loài cá rất phức tạp. Trên thực tế, khí hậu ấm dần kéo theo sự tăng nhiệt trên bề mặt nước biển cũng như sự sụt giảm hàm lượng khí oxy trong nước. Nhiệt độ trong nước tăng lên sẽ kích hoạt sự chuyển hóa sinh học của loài cá, khiến cho nhu cầu khí oxy cũng cao lên. Do thiếu hụt khí oxy, cá sẽ không thể nào lớn lên được.

Vào khoảng giữa thế kỷ, con người có thể tìm thấy các loài cá vùng nhiệt đới ở các vùng vĩ độ cao, nhưng chúng sẽ nhỏ hơn so với đồng loại hiện tại. Chúng sẽ đẻ trứng ít hơn và nhỏ hơn. Điều này có thể có những hậu quả lên sự sinh tồn của loài cá.

Filed under: