Bầu cử Hoa Kỳ : Sôi động chủ đề Trung Quốc

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

OBAMA

Lê Phước - Đến hẹn lại lên, cứ đến kỳ tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ, Trung Quốc lại trở thành một trong những chủ đề kiếm phiếu của các ứng cử viên. Trong kỳ tranh cử lần này, kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn nợ công, nạn thất nghiệp lại cao, khu vực kinh tế sôi động nhất thế giới là vùng Châu Á Thái Bình Dương đang thu hút chú ý của các cường quốc phương Tây.

Trong bối cảnh đó, chủ đề Trung Quốc càng được các ứng viên Nhà Trắng tập trung khai thác. Nhật báo Le Monde phản ánh sự việc này qua bài viết chạy tựa : «Trung Quốc, chủ đề trung tâm của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ».

Tờ báo cho biết, mới đây, chính phủ Hoa Kỳ đã từ chối việc một tập đoàn Trung Quốc mua lại 4 khu phát điện gió  tại bang Oregon. Nguyên nhân chính đó là vì bốn bãi phát điện nói trên nằm gần một căn cứ sản xuất máy bay không người lái, một loại vũ khí vốn là ưu thế của quân đội Mỹ khi can thiệp ở các nơi trên thế giới. Nhà cầm quyền Mỹ cho rằng, việc các nhà đầu tư Trung Quốc mua bốn trang trại điện gió nói trên là « một đe dọa cho an ninh quốc gia » của Hoa Kỳ.

Tổng thống Barack Obama cũng đã thông qua quyết định này vào tuần rồi. Le Monde nhận định, kể từ 22 năm nay, đây là lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ có quyết định theo kiểu đó. Phía Nhà Trằng đã lên tiếng cho rằng, quyết định trên của tổng thống Obama không nhằm vào lợi ích của Trung Quốc, còn theo nhận định của Le Monde thì động thái này của ông Obama ngoài lí do an ninh còn vì lí do tranh cử.

Ứng viên Mitt Romney tỏ ra mạnh bạo hơn với việc tấn công Trung Quốc để kiếm phiếu. Trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Romney là người phát pháo đầu tiên cho chủ đề này: ông đã lên tiếng chỉ trích đương kim tổng thống Obama quá mềm yếu đối với Bắc Kinh. Trên chương trình quảng cáo truyền hình của phe Cộng Hòa, người ta còn thấy xuất hiện quốc kỳ Mỹ đứng nghiêng bên cạnh quốc kỳ Trung Quốc được dựng thẳng đứng với dòng chữ : «Lần đầu tiên Trung Quốc qua mặt chúng ta ».

Hoa Kỳ chỉ đánh võ mồm với Trung Quốc? Phân tích sâu hơn chủ đề này, Le Monde dành một bài xã luận mang tên : «Ông Obama và ông Romney chống lại con rồng Trung Quốc ».

Theo tác giả, ông Romney đánh giá Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh thương mại « không trung thực », là thủ phạm chính của sự xuống dốc của nền công nghiệp Mỹ. Nếu đắc cử, ứng viên Romney sẽ cáo buộc Trung Quốc là « điều khiển » giá hối đối, và dĩ nhiên là sẽ kèm theo những biện pháp trừng phạt kinh tế, và sau đó có thể là chiến tranh thương mại giữa hai nước.  Ông Romney chỉ trích thái độ mà ông cho là nhân nhượng của tổng thống Obama đối với Trung Quốc.

Về phần mình, tổng thống Obama cũng không để bị rơi vào thế bị động bởi theo Le Monde, ông hiểu rõ rằng động thái chống Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này, nhất là trong giai đoạn kinh tế Mỹ bị khủng hoảng và nạn thất nghiệp ở Mỹ đang cao. Ông Obama vì thế cũng tỏ ra cứng rắn bằng việc đề nghị Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có biện pháp trừng phạt các nhà nhập khẩu phụ tùng xe hơi Trung Quốc vì nghi rằng họ được nhà nước Trung Quốc bảo hộ.

Hành động của phía Hoa Kỳ có vẻ mạnh bạo thế, nhưng theo Le Monde thì sau khi bầu cử tổng thống Mỹ xong, quan hệ hai nước sẽ lại cơm lành canh ngọt. Vì sao? Đó là vì dù muốn dù không thì Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu hứa hẹn nhất đối với các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất trong việc mua trái phiếu nợ công của Mỹ, nhiều nhà chức trách địa phương Hoa Kỳ còn ra sức thu hút đầu tư Trung Quốc…

Le Monde kết luận : Trong thế kỉ này, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ở thế vừa là « đối tác » vừa là « đối thủ », còn việc các ứng viên tổng thống Mỹ ra sức chỉ trích Trung Quốc, đó chỉ là việc đánh võ mồm để phục vụ tranh cử mà thôi.

Tinh thần đoàn kết của khối euro tiếp tục bị thử thách Kinh tế Châu Âu vẫn chưa qua hồi sóng gió, tình kết đoàn trong khối euro vì thế cũng tiếp tục bị thử thách. Đó là thực trạng của khối đồng tiền chung Châu Âu được nhật báo Le Figaro phản ánh qua bài viết : «Khối euro xâu xé về việc trợ giúp Tây Ban Nha ».

« Sự xâu xé » mà tờ báo đề cập đó là việc tại Châu Âu, các nước có nền kinh tế khỏe mạnh hơn ngần ngại trong việc giúp đỡ những nước đang bị khủng hoảng kinh tế. Nói cách khác, đó là sự chia rẽ giữa nước giàu và nước nghèo trong đại gia đình Châu Âu. Mối bất hòa hiện tại đang tập trung về chủ đề cứu giúp Tây Ban Nha.

Chính phủ Tây Ban Nha ngần ngại trong việc đề nghị sự giúp đỡ của các nước Châu Âu khác, nguyên nhân chính theo tờ báo đó là do Madrid đã nhận thấy dấu hiệu đầy khó khăn đến từ Berlin, thủ đô đầu tàu kinh tế Châu Âu. Gáo nước lạnh mới nhất của Berlin đến từ  bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schauble với phát biểu trên báo chí rằng : «Nếu Tây Ban Nha yêu cầu giúp đỡ sẽ khiến phát sinh nhiều xáo trộn mới ». Lời nói này rõ ràng là khuyên Tây Ban Nha đừng nên yêu cầu giúp đỡ.

Không chỉ có Đức, mà con đường đi tìm sự cứu hộ của Tây Ban Nha còn gặp chướng ngại từ Phần Lan. Theo Le Figaro, từng lâm khủng hoảng ngân hàng trầm trọng hồi những năm 1990,  Phần Lan khi ấy tự đứng lên. Vì thế hiện tại Phần Lan chỉ trích dự án thành lập cái gọi là « Liên hiệp ngân hàng » ở Châu Âu và cho rằng, liên hiệp này không nên trở thành một công cụ để trả giá cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Trong bài trả lời phỏng vấn cho Le Figaro, thủ tướng Phần Lan ông Jyrki Katainen còn thẳng thừng khẳng định rằng, Phần Lan không muốn tiêu tốn tiền để trả giá cho lỗi lầm của nước khác.

Hôm 26/9 rồi, bộ trưởng tài chính ba nước Đức, Phần Lan và Hà Lan (ba nước có điểm tín nhiệm AAA) đã đồng ký tên kiến nghị những điều kiện ràng buộc mới trong việc tái đầu tư vốn trực tiếp cho các ngân hàng Tây Ban Nha.

Pháp : Sinh viên tốt nghiệp dễ tìm việc làm Khủng hoảng tài chính làm chao đảo cả trời Tây từ năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ và Pháp cao ở mức đáng lo ngại. Thế nhưng dường như thanh niên có bằng cấp tại Pháp vẫn bình an vô sự. Le Figaro thông tin về hiện trạng này với bài viết chạy dòng tựa khá dí dỏm : «Các công ty luôn tán tỉnh giới trẻ có bằng cấp ».

Theo một nghiên cứu tại Pháp thực hiện trên 4 000 sinh viên tốt nghiệp năm 2011, có đến 71% người bằng Bac+4 (bốn năm sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tương đương với thạc sĩ năm 1) tìm được việc làm với thời gian tìm việc trung bình là hai tháng, 56% trong số họ ký được hợp đồng làm việc dài hạn (CDI), trong khi năm 2010 con số này là 54% và năm 2009 là 47%. Các sinh viên tốt nghiệp đại học (Bac+3) tìm việc cũng dễ dàng : 75% sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2011 đã có việc làm. Các ngành tin học, viễn thông và truyền thông dẫn đầu trong việc tìm được việc làm, kế đến là kĩ sư các ngành luyện kim, cơ khí và hàng không.

Giải thích nguyên nhân tìm được việc làm tương đối nhanh ngay trong thời khủng hoảng, tờ báo cho biết, sinh viên Pháp ý thức được khó khăn của khủng hoảng kinh tế  nên đã bắt đầu quá trình tìm việc ngay cả khi chưa tốt nghiệp, họ kiên trì và mỗi người gửi khoản 38 hồ sơ xin việc đến các công ty-tổ chức. Hơn nữa, họ cũng biết ít đòi hỏi hơn để giữ được việc làm, và vì thế lượng người từ nhiệm cũng không cao đối với đối tượng này. Đòi hỏi về mức thù lao cũng được giới trẻ tương đối hóa : Chỉ có 3% sinh viên tốt nghiệp năm 2011 cho rằng lương cao là tiêu chuẩn quan trọng nhất cho việc làm đầu tiên sau khi ra trường.

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo, thị trường lao động hiện không bền vững, các công ty có xu hướng tuyển người mới ra trường ít hơn so với trước kia, vì thế tình hình sẽ xấu đi trong những tháng tới.

Hàn Quốc : tăng cường phòng chống nhảy cầu tự tử Trên cầu Mapo trung tâm thủ đô Seoul Hàn Quốc vừa được bố trí nhiều hình ảnh và khẩu hiệu kêu gọi mọi người không nên tự tử. Đây cũng là một biện pháp tăng cường phòng tránh vấn nạn này tại xứ sở Kim Chi. Nhật báo Libération đi sâu vào chủ đề này với bài viết có dòng tựa đáng chú ý : « Hàn Quốc trên chiếc cầu chống tự tử ».

Theo thống kê tại Hàn Quốc cứ trên 100 000 người có 33,5 người tự tử. Mà tự tử liên quan đến những chiếc cầu mộng mơ cũng đáng báo động : Mỗi năm có 260 người nhảy vào dòng sông Hán từ những chiếc cầu tại Seoul.  Để đối phó với tự tử, chính quyền Seoul đã cho lấp đặt điện thoại báo động ở 4 cây cầu trong thành phố. Kết quả đã cứu được nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần của ý đồ tự tử.

Còn lần này, trên cầu Mapo, đây là chiếc cầu nối miền bắc Seoul với trung tâm tài chính Yeouido, nên rất « thu hút » những doanh nhân sa cơ lỡ vận. Trên cầu Mapo, ngoài những dòng khẩu hiệu, còn có cả hình ảnh về những gia đình hạnh phúc, với mục đích khuyên mọi người nên biết luyến tiếc cuộc sống trần gian.

Bàn về hồ sơ tự tử tại Hàn Quốc, một chuyên gia phòng chống tự tử của nước này cho rằng, từ 15 năm nay Hàn Quốc bắt đầu trả giá cho sự phát triển kinh tế thần tốc của mình. Chuyên gia này nhấn mạnh : Quá trình công nghiệp hóa ở Hàn Quốc diễn ra quá nhanh, đến mức mà người Hàn Quốc không kịp thích ứng trước những vấn đề xã hội phát sinh.

Năm 2011, chính phủ Hàn Quốc đã tăng quỹ phòng chống tự tử lên đến 1,6 triệu euro. Thế nhưng, theo chuyên gia nói trên, con số này còn thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Chuyên gia này kêu gọi : Chính phủ Hàn Quốc phải nhận thức được rằng, tự tử không còn  là vấn đề cá nhân, mà đã trở thành một thảm họa xã hội.

Filed under: