Lạ lùng chuyện cả làng tôn kính hòn đá... giữa đường

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

Cali Today News – “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là câu ông bà ta thường nói. Có những chuyện mà khoa học hiện đại cũng không thể làm yên lòng các suy nghĩ vốn đã được truyền từ đời này sang đời khác như một truyền thuyết, vì vậy trong nhiều trường hợp, người dân ta vẫn tránh “đối đầu” vời những sự kiện lạ, siêu nhiên. Chúng tôi trích đăng một bài viết từ trong nước của ĐS&PL về một hiện tượng lạ, không biết là siêu nhiên hay chỉ là lời đồn đoán mà người dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn kính trọng và tôn thờ. Mời quý vị theo dõi.
Từ khi lập thôn đến nay, không ai có ý định chuyển hòn “đá thần” đi nơi khác. Chính vì thế, những người dân nơi đây ngày càng tôn kính với “thần đá” hơn. Họ coi nó là một vị thần của của làng.
Đường đi vào thôn Vèo (xã Định Trung, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) được trải nhựa khá khang trang. Mặc dù đã được chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi sự hiện diện của hòn đá nằm sừng sững ở ngay giữa ngã ba đường. Ở xung quanh nó được người dân bày đặt các đồ thờ cúng, trông rất cổ kính và uy nghiêm. Đã từ lâu, người ta gọi hòn đá vô tri vô giác là… thần thánh.
dAthan1
Hòn đá ký bí mà người dân thôn Vèo phong chức “thần”
“Thần đá” án ngữ giữa đường
Theo một số người dân thôn Vèo cho biết, mấy năm trước làm đường, người ta có thuê cánh máy ủi, máy xúc chuyển tảng đá đi chỗ khác để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, không hiểu sao, cứ tiến gần vào tảng đá thì xe lại bị chết máy, đứt xích…
Từ đó đến nay, người dân trong làng không dám có ý di chuyển hòn đá ấy nữa. Bấy nhiêu năm, viên đá ngày ngày vẫn nằm đó bất chấp nắng mưa, sương gió. Rồi những câu chuyện ly kì xuất hiện xung quanh hòn đá. Chẳng ai biết thực hư thế nào nhưng vẫn rỉ tai nhau hàng ngày. Cứ người nọ truyền miệng người kia rồi dần dần viên đá trở lên nổi tiếng.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện chúng tôi tìm về thôn Vèo. Điều kỳ lạ là PV đi đến đâu hỏi người dân đều biết tường tận về hòn đá. Thậm chí, nhiều năm qua, họ còn cắt cử người bảo vệ hòn đá một cách nghiêm ngặt như báu vật trong xã.
Khi biết chúng tôi là phóng viên muốn đến tìm hiểu về hòn đá kỳ bí nghìn năm tuổi của làng, một người phụ nữ kéo chúng tôi vào dặn dò: “Các chú muốn tìm hiểu về “đá thần” thì phải được sự đồng ý của trưởng thôn. Muốn quay phim, chụp hình hòn đá phải được trưởng thôn dẫn ra. Chứ cứ thấy người lạ vào gần hòn đá thì người dân đuổi đánh ngay…”.
Theo ông Hoàng Văn Bình, người dịch giả duy nhất của thôn Vèo, ngày xưa làng này có một miếu cổ thờ thất vị Đại vương họ Lỗ. Vị tướng này có công lớn với triều Trần đánh quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Hồi ấy nghĩa quân lấy thông Vèo là nơi là căn cứ, vừa sản xuất lương thực vừa luyện tập võ nghệ. Mảnh đất này là vị trí quan trọng, án ngữ phía Đông Bắc của kinh đô. Có lẽ, ngôi làng này có từ thời đó.
Theo quan sát của PV, hòn đá có hình nón, cao khoảng 40cm, phần chân có đường kính 50cm. “Đá thần” nằm ở ngay sát bở rào cạnh nhà dân nhưng từ khi dân làng mở đường rộng ra, nó mới án ngữ ở chính giữa đường. Hòn đá được người dân trong vùng xây trụ bao quanh và có bát hương thờ cúng đàng hoàng.
dAthan2
Những câu chuyện huyền bí về hòn đá
Ông Nguyễn Văn Lộc, một người dân trong thôn nhớ lại: Mấy đợt làm đường trước, cả làng nhất trí di chuyển hòn đá sang nơi khác nhưng không thành. Ban đầu, làng thuê thợ máy ủi xuống ủi hòn đá ấy đi. Tuy nhiên đến khi mang máy xuống tới nơi không hiểu sao cánh máy ủi cứ đờ người ra không dám điều khiến máy tới xúc hòn đá. Thế là từ đó, người dân không dám nói đến chuyện di chuyển nó đi nơi khác nữa.
Ngồi bên cạnh ông Lộc, cụ Hoàng Văn Bang là người cao niên nhất làng cho biết, hòn “đá thần” rất thiêng. Hồi còn bé, ông có nghe bà nội kể có người mang dao ra chỗ hòn đá mài. Tuy nhiên mấy hôm sau về ốm liệt giường, thuốc thang thế nào cũng không khỏi. Sau này, họ phải sắm sửa lễ lạc ra cũng bái tạ tội với “thần đá” thì mới khỏi bệnh.
Những người trong làng còn đồn nhau rằng cứ mỗi khi màn đêm chìm xuống là họ lại thấy xuất hiện các tiên ông ngồi ở bên cạnh hòn đá đánh cờ với nhau. Họ nói rằng những ông tiên là những người lính được bề trên cử xuống để trông giữ làng… Ban ngày họ về trời để nghỉ ngơi, cứ vào mỗi khi mặt trời lặn lại ra đầu làng để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Cụ Bang còn cho biết, từ bé ông đã được cha mẹ dặn dò không được động đến hòn đá. Ngay cả mấy vị cao niên trong làng cũng bảo hòn đá ấy rất độc. Ai đến gần, nhẹ thì bị ốm vài ngày, còn nặng thì toàn thân mình sẽ đau buốt, mụn nhọt nổi lên khắp người.
Rồi khoảng năm 1986, khi con đường làng được mở rộng ra, hòn đá mọc vẫn sừng sững đứng giữa đường mà không ai dám sờ vào. Một hôm, người lái máy ủi vô tình ủi vạt một bên đá thì bỗng chiếc xe ủi bị đẩy lùi lại. Cũng kể từ đó, lớp người hậu thế lại càng tin hơn vào sự linh thiêng, huyền bí của nó. Thậm chí, một số người còn lấy hòn đá ra dọa trẻ con khi chúng khóc mãi mà không nín. Không hiểu sao, mỗi khi người lớn nhắc đến hòn đá là lũ trẻ lại im re, chui tọt vào lòng mẹ.
Còn chị Phạm Thị Út, người hay đi chăn bò ở làng bên thì cho biết, một hôm chị có việc đột xuất phải lên thành phố nên về muộn. Hôm đó trời rất tối, chị ra dắt bò về thì thấy ở xung quanh hòn đá phát ra một thứ ánh sáng rất kỳ lạ. Sau đó hòn đá bỗng nhiên chuyển động. Từ hôm đó đến nay, chị không dám chăn bò qua chỗ ấy nữa.
Gặp chuyện gì cũng đổ lên đầu hòn đá
Được biết, thấy có nhiều hiện tượng lạ xung quanh viên đá mà chưa ai giải thích được nên người thôn Vèo đã coi hòn đá là “thần” hộ mệnh. Cứ vào mùng một, ngày rằm, hàng tháng hoặc những ngày hội làng, nhà ai có việc trọng đại đều mang các lễ vật ra cúng tế “thần đá” để cầu cúng. Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Đỗ Văn An, Trưởng thôn Vèo cho biết, từ khi ông sinh ra đã thấy hòn đá đứng án ngữ ở đó. Ông cũng đem chuyện hòn đá thiêng ra hỏi ông, bà nhưng chính họ cũng trả lời không rõ nguồn gốc của nó. Họ chỉ biết nó rất linh thiêng không thể động tới. Được biết, đợt thi Đại học vừa qua, gia đình nào có con cháu đi thi thì đều sắm sửa lễ ra cúng hòn đá. “Đã nhiều lần họp làng, chúng tôi có ý định di chuyển hòn đá đi nơi khác để phục vụ cho mục đích dân sinh. Tuy nhiên, mỗi người một ý kiến nên không quyết định được. Về việc người dân cứ ốm đau, bệnh tật lại nghĩ hòn đá gây nên là không hợp lý. Không thể cứ gặp tai ương là đổ lên đầu hòn đá được”, ông An tâm sự.
Theo Tuyến Trung - ĐS&PL

Filed under: