Một ngày mai tươi sáng!

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

Quốc Anh (Danlambao) - "...Bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia không phải là nhiệm vụ riêng của giai cấp lãnh đạo mà là của cả một khối đại đoàn kết dân tộc! Mỗi khi có sự mâu thuẫn giữa lợi ích dân tộc và độc đoán nhà nước nó sẽ gây nên mối họa chia rẽ sâu sắc. Tục ngữ dân gian có câu: "Tức nước vỡ bờ" và một chiếc lò xo khi càng dồn ép, nén chặt, sức bật của nó càng trở nên mạnh mẽ. Một khi lòng dân oán hận thì không sao giữ vững nổi chế độ lâu dài..."
*
Chế độ - chính trị - xã hội Việt Nam:
Gần sáu mươi năm ở miền Bắc kể từ năm 1954 và hơn ba mươi bảy năm ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn dân Việt Nam đều được nếm trải mùi vị của thiên đường xã hội chủ nghĩa qua từng thời kỳ: cái thời bế quan tỏa cảng - ngăn sông cấm chợ, hay còn gọi là thời bao cấp, hợp tác hóa nông nghiệp! Ngày ấy, cả đoàn người dậy sớm chen chúc xếp thành một hàng dài cả buổi sáng hoặc phơi nắng cả buổi chiều chỉ để mua một kilôgam gạo mốc trộn đầy bông cỏ, một lít dầu lửa thắp đèn, vài cân chất đốt hoặc cây kim, cuộn chỉ hay viên đá hộp quẹt; rồi đến thời cũng xếp hàng, ăn chực, ngồi chầu để chờ thối tiền lẻ... nay nhớ lại còn thấy sởn tóc gáy, nổi da gà. Và tới cái thời gọi là cơ chế thị trường nhiều dự án xây biệt thự, nhà cao tầng, cao cấp sang trọng, hiện đại mọc lên như nấm sau mưa nhưng những người dân nghèo hèn tầng lớp bị thu hồi đất đai, nhà cửa, ruộng vườn không bao giờ có cơ hội để với tới và khi không còn đất đai để sản xuất, canh tác con cháu họ phải vắt sức, kiệt lực trong các nhà máy-xí nghiệp, trên các công nông trường. Tiền lương kiếm được chưa đủ tái tạo sức lao động nói gì đến việc có cơ hội để thụ hưởng các mặt an sinh xã hội. Tương lai con cháu của họ thật mịt mờ khi phải sinh sống trong những khu tạm cư hoặc ở thuê trong những dãy nhà trọ, nóng bức, tồi tàn, thiếu thốn tiện nghi. Thử mỗi sáng sớm đi ngang qua Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức hay các khu công nghiệp ngoại thành, nhìn những cô công nhân nhỏ bé, gầy gò ăn vội những củ khoai mì, khoai lang cho kịp giờ vào ca mà cảm thấy lòng xốn xang. (tôi tận mắt chứng kiến chứ không chờ đến báo Người Lao Động đưa tin)
Người dân nông thôn và dân nghèo thành thị là những tầng lớp, giai cấp chiếm lĩnh vị trí đông đảo trong lòng xã hội Việt Nam, một tầng lớp giai cấp thường chịu sự thiệt thòi, lãng quên sau những cuộc trường chinh giữ nước, đánh đuổi ngoại xâm. Bởi khi chiến tranh kết thúc họ lại bị chính tầng lớp, giai cấp mà họ từng ủng hộ, nuôi giấu, che chở trở mặt, khống chế, đàn áp, tước đoạt đi quyền làm chủ những tư liệu sản xuất của họ là nhà cửa, đất đai, ruộng vườn và đưa đẩy con cháu họ phải cật lực bán sức lao động sống đời làm thuê, làm mướn cho những ông chủ tư sản nước ngoài và các ông chủ, các đại gia đại diện cho tầng lớp, giai cấp tư sản kiểu mới đó là con cháu những cán bộ, đảng viên có chức quyền. Hầu hết những người lao động trên các công nông trường, nhà máy, xí nghiệp họ đều ngộ nhận rằng họ đang đứng trong hàng ngũ giai cấp công nhân một thành phần chuyên chế của chế độ là giai cấp lãnh đạo thống trị xã hội! Họ không hiểu thực chất đó chỉ là sự dịch chuyển lao động thuê mướn từ ruộng đồng sang lao động giản đơn trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp mà thôi? Và nơi đó người công nhân lao động càng bị bóc lột sức lao động một cách tinh vi, tàn nhẫn và lạnh lùng hơn cả chủ nghĩa tư bản "bóc lột trên giá trị thặng dư" trước đây.
Đúc kết kinh nghiệm quá trình đấu tranh trong quá khứ, giai cấp thống trị đã triệt tiêu tinh thần đấu tranh chính trị bằng sự bần cùng, tha hóa của xã hội để làm cho những thế hệ nối tiếp sẽ không còn đủ sức đấu tranh cho tự do, dân chủ! Đó là làm cho dân chúng nghèo đói, thanh niên say sưa, nghiện ngập, đắm chìm trong bia rượu; còn phụ nữ phải bỏ tuổi thanh xuân trong các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, cafe đèn mờ để làm công cụ mua vui, thỏa mãn xác thịt cho những tầng lớp giàu có kiểu mới, đó là tầng lớp chỉ biết vơ vét, bóc lột sống bám trên mồ hôi xương máu của dân chúng.
Khi nói đến chính trị, đấu tranh cho dân chủ, người dân nông thôn và dân nghèo thành thị không hiểu chính trị, dân chủ là gì, đấu tranh cái gì và đấu tranh cho ai? Vì sao lại phải đấu tranh khi đất nước không còn giặc ngoại xâm, không còn quân đội nước ngoài chiếm đóng? Vì các mặt đời sống vô cùng khó khăn, vất vả nên những người dân nghèo họ chỉ biết quan tâm đến cơm-áo-gạo-tiền, mong sao có đủ điều kiện để trang trải cuộc sống, lo cho con cái được học hành là đủ; họ chỉ ước mơ đến một cuộc sống no ấm có công ăn việc làm ổn định, một cuộc sống tốt đẹp hơn so với hiện tại mà thôi. Vì vậy nhiều người trong số họ luôn bàng quang và thờ ơ với thời cuộc, nếu kêu gọi họ đấu tranh cho tự do, cho dân chủ hay làm một điều gì đó để thoát khỏi cuộc sống bần hàn, cơ cực là chuyện khó thực hiện! Mỗi khi nhắc đến những người đấu tranh cho dân chủ - tự do đang phải chịu cảnh bắt bớ, giam cầm nhiều người trong số họ còn cho rằng những người đang chịu hy sinh, khốn khổ ở chốn tù đày để cổ vũ cho dân chủ, nhân quyền chỉ là những kẻ hoang tưởng, ngông cuồng. Và ngay bản thân tôi cũng tự nhận mình là một trong những người yếu hèn, nhu nhược không đủ can đảm lẫn cả dũng khí dám công khai nói lên sự thật, nói lên những thứ phi nhân, bất tín vẫn luôn tồn tại mỗi ngày trong lòng xã hội. Thôi cứ tự an ủi: mỗi người có một phương thức đấu tranh khác nhau.
Khả năng thực thi quá trình đấu tranh cho tự do-dân chủ:
Thực hiện đảo chính: chỉ có lực lượng quân đội mới đủ thực lực và khả năng để làm nên một cuộc binh biến! Nhưng điều này rất khó xảy ra bởi hệ thống quyền lực tuy tập trung nhưng quyền hành lại chia sẻ bởi nhiều tầng, nấc trung gian có nhiệm vụ nhòm ngó, kiểm soát lẫn nhau. Và điều quan trọng hơn: các sĩ quan, tướng lĩnh từ trung đến cao cấp đều được thẩm tra lý lịch kĩ lưỡng từ ba đời trở lên. Những thành phần được lựa chọn, hầu hết đều xuất thân từ những gia đình truyền thống: nhiều đời, nhiều thế hệ trung thành hoặc cảm tình với chế độ. Gọi thời kỳ Việt Minh chống Pháp là thế hệ thứ nhất, thời kỳ chống Mỹ thế hệ thứ hai và hiện nay là thứ hệ thứ ba, thứ tư. Như vậy, khó có một cuộc binh biến xảy ra cho dù trong hàng ngũ các tướng lĩnh cũng có nhiều người bày tỏ thái độ không đồng thuận với những chủ trương, chính sách đi ngược lại với chủ quyền quốc gia, lợi ích hợp pháp của đất nước, dân tộc và bất nhẫn trước vấn nạn tham nhũng, cường hào, ác bá kiểu mới.
Một cuộc nổi dậy: như đã nói trên, đời sống kinh tế khó khăn, cuộc sống tẻ nhạt, nhiều vùng miền người dân sống trong nỗi lo toan chất chồng hàng vạn gia đình ngày chỉ biết lo tranh đấu tìm kiếm miếng cơm, manh áo, đêm về lo chống chọi với đói nghèo, tật bệnh, lo mất nhà, mất đất cùng bao nỗi lo toan khác như thiên tai, dịch bệnh.... nên hầu hết những người nông dân cùng các tầng lớp dân nghèo thành thị hiện nay đã trở nên thụ động, yếu hèn, họ càng trở nên run rẩy, nhát sợ trước bạo lực, cường quyền. Vì vậy kêu gọi họ đoàn kết, xuống đường làm cách mạng, làm những việc kinh thiên động địa nhằm đấu tranh cho tự do-dân chủ, cho công bằng-văn minh, nhằm làm thay đổi một chế độ xã hội tốt đẹp hơn như những nước Bắc Phi và một số nước Ả Rập đã làm như thời gian qua cũng là một việc không thể? Tuy với trình độ dân trí như hiện nay, Việt Nam không thua kém Ai Cập, Tennesy, Ly Bi, Syria hay các nước Ả Rập khác. Nhưng nếu đánh giá về mức độ đồng thuận và khả năng vận động dẫn đến cao trào thì hiện nay dân chúng vẫn không thể làm được, Việt Nam chưa thực sự có một thủ lĩnh có đủ bản lĩnh lẫn uy tín về chủ trương, đường hướng đấu tranh chính trị đúng đắn để vận động, lôi cuốn đủ mọi thành phần trong xã hội tạo nên sự đồng thuận mạnh mẽ như những quốc gia nói trên.
Trung thành với đảng, với chế độ có các thành phần xã hội:
Thành phần cơ hội: là những thành phần phấn đấu để thăng quan tiến chức chỉ nhằm trục lợi cá nhân. Thành phần này tuy trung thành nhưng nhiều thủ đoạn và tham lam vô độ, ưa chuộng lối sống thực dụng cùng với lòng tham không đáy. Họ là những kẻ mua quan, bán tước, tham ô, nhũng nhiễu! Chính thành phần này đã làm bào mòn chế độ, làm băng hoại xã hội nhưng khi có chiến tranh xảy ra họ là những kẻ bỏ chạy trước tiên để bảo toàn mạng sống và những của cải do xâm hại, cưỡng chiếm của dân chúng. Một số khác dễ trở nên sai khiến, phản bội vì đã quen sống trong nhung lụa, giàu sang trên công sức của các tầng lớp nhân dân. Nhưng ngược lại trong một xã hội chưa có công bằng, dân chủ, văn minh thì chế độ xã hội đó luôn trọng dụng những loại thành phần này làm tâm phúc để làm công cụ bạo lực sai khiến và trấn áp, đánh đập dân chúng: đó là lực lượng công an, an ninh hiện nay.
Thành phần con cha, cháu chú: hầu hết bây giờ là các ông chủ doanh nghiệp, là các đại gia thao túng toàn bộ đất đai và tài nguyên, khoáng sản. Tất cả những dự án lớn, nhỏ: từ cầu, đường, khu dân cư, nhà cao tầng cho đến những dự án sân golf, Resolt, Khu kinh tế, Khu chế xuất, Khu công nghiệp, khu Công nghệ cao ...v.v... Thành phần này đều được sự tiếp tay ưu ái bởi những chính sách quy hoạch, thu hồi nhằm tước đoạt đất đai, nhà cửa, ruộng vườn từ tay người dân, đồng nghĩa với việc tước đoạt đi những tư liệu sản xuất của nông dân để đẩy họ và con cháu của họ từ những người là chủ thể của đất đai trở thành những kẻ đi làm thuê, làm mướn.
Thành phần hưởng lợi: được hưởng lợi từ các chính sách đất đai, do mở đường, do các dự án quy hoạch, thu hồi đất đai của nông dân để xây dựng các dự án, khu công nghiệp, Resoft như đã nói trên và họ gặp may từ các dự án mua bán nhà đất, đấu thầu cùng các chính sách do ngược đãi dân nghèo thành thị, bần cùng hóa nông thôn. Từ một thành phần thiếu thốn, nghèo khó nay trở nên giàu có, sung túc nhờ những cơ may trong việc mua bán nhà cửa, đất đai của thời kỳ đất đai tăng giá và ăn theo các dự án mà trở nên trung thành với chế độ. Đây là thành phần ba phải "gió chiều nào ngã theo chiều đó".
Tóm lại: đi con đường nào để nhân dân Việt Nam nhìn thấy được ánh sáng của chân lý và tương lai nào để vận mệnh đất nước, dân tộc không phải lệ thuộc ngoại bang? Suốt một thời gian dài xã hội Việt Nam đã chịu đựng sự thống trị bởi một nhà nước độc quyền, độc đoán. Họ chỉ chăm chú việc bảo vệ chế độ bằng sự trù dập ý chí và lý tưởng của dân tộc. Nền tảng thống trị xã hội như hiện tại càng làm thui chột ý chí và tài năng của cả một thế hệ kế thừa, sản sinh nên một thế hệ lọc lừa, gian trá trên tất cả mọi lĩnh vực, khiếp nhược và yếu hèn trước ngoại bang. Một nhà nước không trong sáng, minh bạch chỉ đào tạo nên một thế hệ trẻ ích kỷ khôn vặt, khôn ranh và vô trách nhiệm trong các cơ quan công quyền; một thế hệ người vô cảm, vô tâm và tàn nhẫn, lạnh lùng ngoài xã hội (xin lỗi các bạn trẻ vì đã vơ đũa cả nắm).
Bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia không phải là nhiệm vụ riêng của giai cấp lãnh đạo mà là của cả một khối đại đoàn kết dân tộc! Mỗi khi có sự mâu thuẫn giữa lợi ích dân tộc và độc đoán nhà nước nó sẽ gây nên mối họa chia rẽ sâu sắc. Tục ngữ dân gian có câu: "Tức nước vỡ bờ" và một chiếc lò xo khi càng dồn ép, nén chặt, sức bật của nó càng trở nên mạnh mẽ. Một khi lòng dân oán hận thì không sao giữ vững nổi chế độ lâu dài. Mọi sự vật trong vũ trụ luôn chuyển hóa và biến thiên! Sự tồn tại và phát triển của một xã hội cũng vậy, chế độ - chính trị - xã hội nào làm cản trở quy luật vận động của sự phát triển thì chế độ xã hội đó sẽ bị đào thải trong một tương lai không xa.
Nhân sự kiện xét xử ba blogger của CLB Nhà báo tự do vào buổi sáng nay 24/ 09/2012, những diễn biến xảy ra bên trong phiên tòa và chung quanh tòa án đã đủ nói lên sự thật! Xin chia sẻ và tri ân những nhà dân chủ khi họ dám lên tiếng đấu tranh, dám bày tỏ chính kiến dù thừa hiểu rằng sẽ bị bắt bớ, bị khủng bố tinh thần, bị tra tấn, tù đày đi kèm với những bản án nặng nề đã được vạch sẵn... họ đã dũng cảm dám nói lên sự thật, dám lên án những bất công, cường quyền vẫn luôn hiện diện trong lòng xã hội Việt Nam. Thật đáng thương thay cho những cánh én đơn lẻ chưa thể làm nên nổi một mùa xuân.
Sài Gòn ngày 24/09/2012
Quốc Anh
danlambaovn.blogspot.com

Filed under: