THẢ TÌNH - thụyvi

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt



...




Tôi đang cố tình không nhớ đến anh, không nghĩ đến anh, không cho bất cứ hình ảnh lớn nhỏ nào của anh mon men đến, xâm chiếm quanh quẩn đầu óc tôi, vì thế, để nhất định làm được điều này thậm chí tôi tạm ngưng luôn gửi bài, hay vào đọc một trang báo văn học có anh trong đó. Tôi biết rỏ ràng chỉ cần nhìn thoáng thấy giòng chữ của anh thôi, tên của anh thôi là tất cả sẽ phục hồi, tất cả sẽ y như cũ và tôi bắt buộc phải chọn lựa, dứt khoát chọn lựa - Hoặc anh, hoặc đời sống của tôi bấy lâu nay - Nhưng, đời sống của anh, hay của tôi cả hai đã mọc rễ trong hoàn cảnh cố định từ lâu rồi và nếu chọn nhau chúng tôi không biết có đủ sự nhẫn nại và bình tâm để kéo dài sự chịu đựng với niềm ray rứt thường xuyên không? Có thể chịu đựng sự phán xét nghiêm khắc của những người chung quanh không? Và, liệu chúng tôi có đủ sức lực để đương đầu với vô số hệ lụy sẽ xô đẩy chúng tôi, vây bủa chúng tôi vào nỗi cay đắng trùng trùng?

Trong khi tôi đang hài lòng về quyết định độc đoán của mình thì bỗng dưng sáng nay tôi nhận một bài của Nguyễn Xuân Thiệp viết về quán Caffe Trieste ở San Francisco do một người bạn chuyển tới khiến trong lòng tôi sóng sánh một nỗi buồn vừa đủ để đánh thức nỗi quên lãng tưởng đã ngủ yên, vừa đủ cho tôi bỗng bàng hoàng sợ hãi nhận ra những hồi ức đẹp cứ ào ạt tràn về vì bài viết vô tình nhắc tôi về anh, về những ý thích chung của nhau và ngực tôi thắt lại với một nỗi bất an đột ngột, và ngỡ ngàng khi nhận ra một sự thật mà suốt năm nay tôi làm chỉ là ảo tưởng.

...


Thật ra, chuyện của chúng tôi kéo dài hơn bốn mươi năm rồi, nhiều lần tưởng chừng đã vào quá khứ rồi, vì chúng tôi có khi thân nhau, thân nhau nồng nàn, có lúc rời rạt, không ít lần đứt khúc rồi gặp lại rồi mất hút cho đến khi cả hai không là của nhau, nhưng khi nào bất trắc gặp nỗi muộn phiền tôi men đến anh – như một chỗ dựa tin cậy vì biết anh một mực thương tôi, hết lòng vì tôi - trên đời này đối với tôi chưa ai chung thủy bằng anh. Có thể, có người nào đó “ nặng lòng” thầm yêu tôi với tình cảm say đắm lãng mạn hơn anh, hoặc có thể có người nào đó đã yêu tôi trong cách yêu thật liều lĩnh kể cả bất chấp nhưng đến khi tình không thành là tan, là hết, là xong một cuộc tình, nhưng chung thủy với duy nhất một bóng hình suốt hơn mấy mươi năm ít ai hơn anh được! Mặc dù, từ đầu hình như tôi chẳng hứa hẹn điều gì với anh, thậm chí anh không cần điều này hay cần bất cứ điều gì từ phía tôi, anh chỉ nói “ Anh yêu em rồi nên không còn yêu ai được nữa. Đây là hạnh phúc mong manh của anh, là niềm an ủi thầm lặng cuối cùng chúng ta không thể phá cho tan hoang những ngày còn lại” nhưng tôi cứ lay lắt thống khổ chỉ muốn buông tay, thả tình cho gió, thả tình cho tình bay vì sợ không chịu nỗi những áp lực vô hình quá lớn.

Tôi thay quần jeans bạc thếch rách ống, áo sơ mi và ra đường. Tôi có ý muốn khuây khỏa bằng một cuộc đi dạo, và tôi cứ như thuận theo tiếng bước chân dẫn dụ của mình. Bước chân nhẹ tênh, người tôi như bị hút trống, lung lay như một cánh lá mềm. Trời trên đầu buông những chùm nắng chói loà của một mùa hè lộng lẫy khiến tôi thầm hài lòng trong bầu không khí ấm áp hiếm hoi trên con đường có nhiều mảng hoa Tulip đã nở bung từng cánh. Tôi tạt vào quán cà phê quen đến phía quầy chờ đợi mua cho mình ly cà phê rồi bưng ra ngồi thoải mái trong chiếc ghế sắt có nệm đặt dọc theo mái hiên. Tôi ngồi một mình, nhấm nháp ly cà phê lâu lâu lơ đãng ngửng nhìn như chờ đợi mà có ai đâu chờ đợi. Đôi mắt tôi lúc cắm cúi săm soi những giọt nước đóng lăn tăn ngoài thành ly mà đầu óc rưng rưng nhớ đến khoảng ngày tháng này năm ngoái anh nhắn “ Về nghe em, chúng ta phải đến Givral trước khi người ta đập bỏ nó” Tâm trạng của anh giống như của nhiều người yêu Saigon khác, muốn bảo tồn nơi chốn - kỷ niệm " Xưa vốn thế - nay vẫn thế.." nên ĐTQ đã uất ức : “ Ôi, hãy tưởng tượng một người Paris một buổi sáng ra phố, bỗng thấy ở cái chỗ bao nhiêu năm là nơi có cái bảng hiệu Café des Deux Magots, hay Café de Flore, nay chỉ là những đống gạch vụn, để rồi sau đó thấy dựng lên một thứ Mỹ không ra Mỹ, Tàu không ra Tàu, Ấn-độ không ra Ấn-độ…” Để an ủi tôi hẹn anh “ Khi nào qua thăm, em sẽ đưa anh đến cà phê Trieste, viếng lại San Francisco nơi hơn 40 năm trước anh đã từng ghé qua và hiện nay nơi đây vẫn còn giữ quá khứ, hiện tại trong một khúc đường ẩn chứa nhiều điều thú vị"

Anh là một nhà văn đã gắn bó với chữ nghĩa từ rất sớm, lại là nhà văn Quân đội, nên tuy tôi không thể mường tượng hết những năm tháng “ Đầy thất kinh lận đận” của những nhà văn còn kẹt lại sau năm 1975 ra sao nhưng tôi biết họ khốn khó trăm bề, khốn khổ trăm đường, vì vậy được làm người thật thân hiếm hoi của anh, được anh cho xem hàng trăm bài viết ngắn, dài về cuộc đời được giấu kín đâu đó mới thấy được sự mê say miệt mài viết của anh là điều gì đó rất mãnh liệt thầm kín và mới cảm nhận sức phấn đấu của anh mới thật là dễ sợ, thật đáng phục.
Anh là một nhà văn lững thững đi đến tận cuối cùng trên văn đàn. Anh chọn thái độ sống một mình, tránh né hết thảy mọi đàn đúm bè phái xu nịnh. Đối với bạn cùng tâm ý anh hết lòng, hết mực, tuy nhìn bên ngoài người ta thấy anh vẻ như phớt lờ một cách điềm đạm đến bình thản. Anh còn là người khá nghiêm nghị, đối với tình yêu cũng vậy, anh ít khi tỏ bày bằng lời, chỉ khi nào nhìn tôi mới thấy cái nhìn anh thật chậm đầy yêu thương một cách lãng mạn - Một ánh nhìn thôi tôi cũng đủ chết ngất trong ánh mắt ấy cùng với nỗi rung động thanh khiết thơ ngây đầu đời ngày đó, cũng đủ cho tôi sống trọn vẹn những khắc giây đắm đuối của một kiếp đàn bà. Qua ánh mắt đó, tôi biết chắc chắn thêm trong đáy sâu trái tim anh lúc nào cũng cất giữ những góc ký ức của chúng tôi cho riêng mình và sẽ mang nó về nơi thiên cổ cùng anh.

Khi gặp lại nhau lần vừa rồi sau mười mấy năm( tôi không nhớ là lần thứ mấy ) anh chưa bao giờ nói về những chuyện riêng của gia đình mình, nhưng tôi mơ hồ thấy anh có vẻ như dè dặt và thu nhỏ đời sống mình lại. Tôi cảm thấy hình như anh đang sống trong một cái lưới, với một không khí tức thở ngột ngạt, nhưng anh vẫn không muốn cựa quậy - hoặc để thoát ra - bởi anh là người biết chịu đựng, biết trách nhiệm... Có lẽ chính vì thế anh làm việc thật nhiều để lấp trống những muộn phiền, cũng như đang tận dụng từng năm tháng ngắn ngủi của sự sống để làm nốt những việc còn lại...

Tôi uống hết ngụm cà phê cuối cùng và cảm thấy mùi vị cà phê thấm sâu trên đầu lưỡi.


. thụyvi

* Mời quý vị tạt vào đây để cảm nhận và hòa nhập không khí của Caffe Trieste: http://www.caffetrieste.com

( Hầm Nắng, cuối tuần nghỉ Memorial Day & Golden bridge San Francisco 75 years old - 2012 )

Filed under: ,