Bố Ráp Buôn Lậu Sừng Tê Giác Ngay Bolsa, 3 Người Bị Bắt

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012 by: Lý Tưởng Người Việt

Tin Westminster - Tại khu Little Saigon miền Nam California, chủ nhân của một tiệm trên đường Bolsa đã bị bắt vì bị nghi buôn lậu sừng tê giác. Ngày hôm sau tiệm Winlee Porcelain trên đường Bolsa vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Tin cho biết cảnh sát hợp tác với cơ quan bảo vệ thú hoang Fish & Wildlife Service đến bố ráp và bắt giam 3 người vì bị nghi buôn lậu sừng tê giác, một động vật bị coi là có nguy cơ tuyệt chủng và được luật pháp bảo vệ. Chủ nhân Winlee, tọa lạc trong khu chợ T&K thành phố Wesmtinster là Jimmy Kha 49 tuổi, và con trai ông này là Felix 26 tuổi, bị bắt tại phi trường Los Angeles.
sb1Bạn gái ông Kha là Mai Nguyễn 41 tuổi, chủ một tiệm nail ở Highland, được tại ngoại với số tiền thế chân $50,000. Vụ bắt giữ này nằm trong chiến dịch phá vỡ đường dây quốc tế buôn lậu sừng tê giác được thực hiện ở hơn 10 tiểu bang, với sự tham dự của hơn 150 nhân viên cơ quan FWS. Theo thông tấn xã AP, nhiều người đã bị bắt, tịch thu được $1 triệu tiền mặt, một số vàng thỏi, kim cương và đồng hồ rolex trị giá hơn $1 triệu cùng 20 sừng tê giác. Phần lớn tang vật được tìm thấy tại tiệm và nhà riêng của ông Kha ở Garden Grove.

Các nhà điều tra về thú hoang của liên bang ở California cùng nhiều tiểu bang khác nói đường dây buôn lậu sừng tê giác vừa bị phá vỡ này đã hoạt động từ nhiều năm, nhằm cung cấp cho hai thị trường Việt Nam và Trung Cộng, nơi người ta tin nhầm rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư, khiến họ thu về được nguồn lợi kếch xù. Giá bán sừng tê giác được so sánh là đắt hơn cocaine, đắt hơn vàng, giá rất cao từ $20,000 đến $25,000 một pound khiến nhân viên canh giữ thú hoang ở những nước kém phát triển dễ biến thành kẻ tội phạm, đôi khi hợp tác với các tay săn tê giác bằng cả máy bay trực thăng lẫn súng máy.

Năm ngoái, có khoảng 450 tê giác bị giết ở Nam Phi, cao gấp bốn lần năm 2009. Loài động vật ở Phi Châu này giảm đi 90% tính từ thập niên 1970, với 20,000 tê giác trắng còn lại mà hầu hết ở Nam Phi, và 5,000 tê giác đen ở rải rác trên khắp lục địa Phi Châu, trong khi giống tê giác Á Châu được xem đang ở bờ vực tuyệt chủng. Trung cộng đã cấm sử dụng sừng tê giác từ năm 1993, trong khi Liên Hiệp Quốc cấm mua bán động vật quí hiếm từ nhiều thập niên trước.

Lệnh cấm quốc tế này được thi hành triệt để tại Hoa Kỳ qua hai đạo luật Endangered Species Act và Lacey Act, qua đó mọi việc mua bán qua ranh giới tiểu bang hay quốc tế đều là bất hợp pháp. Vụ bắt giữ lần này là kết quả của việc theo dõi sự chuyển khoản hằng trăm ngàn dollar qua ngân hàng, gồm các trương mục ở Trung Quốc và hồ sơ du lịch của các nghi can bay qua về giữa Á Châu với Los Angeles, cũng như giữa California, Texas và Missouri.

Filed under: