Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011 by LTSA

Tổng giáo phận Sài Gòn đã loại bỏ một linh mục ứng cử viên cho cuộc bầu cử Quốc hội, nhưng hiện tượng một số giáo sĩ người làm việc nhiều hay ít một cách công khai với chế độ này là một vấn đề nghiêm trọng đáng quan tâm, bởi vì cuối cùng nó sẽ dẫn đến việc loại bỏ các tín hữu. Một linh mục đã phá vỡ buổi cầu nguyện của các giáo dân khi họ đang đọc Kinh Mân Côi để kêu gọi họ ra tham gia cuộc họp tuyên truyền bầu cử.

Hà Nội (AsiaNews) – Các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đang tới gần, với sự đề cử của ba linh mục, đã một lần nữa nhấn mạnh đến những vấn đề của “các linh mục của nhà nước” dẫn đến sự đau đớn tột cùng cho của Giáo Hội Việt Nam. Những người đã sử dụng và lạm dụng tài sản nhà thờ và vai trò của họ để hỗ trợ cho Đảng Cộng sản, đổi lại, khi nào họ cần thì họ sẽ nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, chính bởi những hành vi của họ đã dẫn dắt các tín hữu tới con đường bỏ đạo.

Tổng giáo phận Sài Gòn đã loại bỏ một trong những ứng cử viên, Cha Phan Khắc Từ, người phụ trách tờ báo “Công giáo và dân tộc” tạp chí được thành lập năm 1975, khi thống nhất của đất nước, với sự hỗ trợ của chính phủ và ông đã trở thành nổi tiếng với những chỉ trích thường xuyên nhằm vào GH John Paul II và Vatican. Chiến dịch của ông đã nhấn mạnh sự tham gia của ông trong chiến tranh, kể từ khi ông tuyên bố đã thiết lập một xưởng chế tạo bom để sử dụng chống lại các binh sĩ Mỹ. “Một quyết định mà chúng tôi rất lưu ý”, Cha Peter Nguyễn đã cho biết thêm: “giữa hành vi đối lập của ông ta và những yêu cầu của giáo luật đã được nhấn mạnh bởi một số tổ chức như Công Giáo AsiaNews, Catholic World News, VietCatholic News và những nơi khác trên thế giới” .

Ở những nơi khác, như ở Thái Bình, sự tham gia của một linh mục trong chiến dịch bầu cử đã tạo ra một sự phản ứng mạnh mẽ của các tín hữu. Về đến nhà thờ của Trung Châu, ngày 29 tháng 4, giáo dân đã thấy linh mục của họ có vấn đề bất thường, cha Vinh Sơn Phạm Văn Tuyên, người thay vì chuẩn bị dâng Thánh Lễ thì lại căng lều tổ chức một cuộc họp với với các lạnh đạo cấp cao của tỉnh để khởi động chiến dịch tranh cử (xem ảnh).
by LTSA

Giới hữu trách Việt Nam đã truy tố một cựu tiếp viên hàng không vì dọa có hành khách mang bom trên chuyến bay.

Bản tin hôm thứ 5 của hãng thông tấn Đức trích thuật tin tức báo chí Việt Nam nói rằng ông Nguyễn Bằng Việt, 37 tuổi, cựu nhân viên của Vietnam Airlines, bị truy tố về tội “cản trở giao thông hàng không”.

Cảnh sát Việt Nam cho biết hồi đầu tháng 11 năm ngoái, nghi can này đã gởi tin nhắn tới điện thoại di động của bà Phạm Thị Phương Hải, trưởng đoàn tiếp viên của chuyến bay của Vietnam Airlines từ Việt Nam đi Campuchia, nói rằng có hành khách mang bom.

Chuyến bay đã bị hủy và hơn 100 hành khách phải chuyển sang các chuyến bay khác. Sau khi tiến hành cuộc kiểm tra, giới hữu trách không tìm thấy chất nổ và nghi can này bị bắt sau khi công an truy ra số điện thoại.

Ông Nguyễn Bằng Việt thừa nhận là ông đã làm như vậy vì có xích mích với bà Phạm Thị Phương Hải.

Vietnam Airlines cho biết việc chuyển hành khách và kiểm tra máy bay làm cho công ty này thiệt hại hơn 10 ngàn đô la.

Nguồn: dpa, Cong an Nhan dan
by LTSA

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) bên lề hội nghị thường niên của ngân hàng này ở Hà Nội.

Bản tin của Tân Hoa Xã cho biết hôm thứ 5 ông Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp kiến ông Haruhiko Kuroda, người đến dự cuộc họp hàng năm của Hội đồng Quản trị ADB, được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong quá trình phát triển của mình Việt Nam đã nhận được sự trợ giúp có hiệu quả của ADB và Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ. Ông Dũng cũng hứa hẹn là Việt Nam sẽ sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay của ADB.

Ông Kuroda đánh giá cao sự phối hợp của Việt Nam trong việc tổ chức hội nghị thường niên của ADB và khẳng định rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục gia tăng các khoản cho vay ưu đãi dành cho Việt Nam, đặc biệt là cho những dự án về môi trường, hạ tầng giao thông, và xóa đói giảm nghèo.

Ông Kuroda cũng bày tỏ tin tưởng là nhờ vào những biện pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh và bền vững.

Sau cuộc gặp gỡ này, ông Nguyễn Tấn Dũng và các giới chức cao cấp khác đã chứng kiến lễ ký kết giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Chủ tịch ADB Kuroda về khoản vay 1,38 tỉ đô la cho các dự án về giao thông, môi trường và nguồn nước.

Nguồn: Xinhua/VietnamPlus
by LTSA

HÀ NỘI (TH) - Một số đông đảo dân chúng thuộc sắc tộc thiểu số Hmong ở huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên đã biểu tình và bắt giữ một số cán bộ nhà nước từ mấy ngày qua.

Bản tin điện tử của đài BBC và một vài blogs đưa tin như vậy về tình hình ở tỉnh Ðiện Biên, một tỉnh phía Tây Bắc của Việt Nam giáp giới với Lào và Trung Quốc.

Theo một blogger thuật lại thì nhà cầm quyền trung ương ở Hà Nội đã gửi tới tăng cường cho lực lượng quân sự và an ninh địa phương 3 chiếc trực thăng và 200 quân, nhiều phần là Cảnh Sát Cơ Ðộng chống biểu tình, bạo động.

Vụ việc xảy ra ở Mường Nhé trong nhiều ngày nhưng truyền thông trong nước hoàn toàn im lặng. Cho đến sáng Thứ Năm, 5 tháng 5 (giờ Việt Nam), kể cả báo in lẫn báo điện tử tại Việt Nam đều không có tin tức.

Một nhà báo ở Sài Gòn cho báo Người Việt biết, ‘Mấy vụ này không mong gì truyền thông trong nước có thông tin. Báo chí sẽ được lệnh không được dây vào cho đến khi cấp trên cho phép.’

Không có một nguồn tin nào để kiểm chứng tình hình cũng như nguyên nhân dẫn đến biến cố nhưng theo tin đài BBC, số người tham dự vào cuộc biểu tình ở huyện Mường Nhé có thể tới 5,000 người.

BBC đã phỏng vấn ông Giàng A Dình, chủ tịch huyện Mường Nhé và được ông này xác nhận “có ngàn người” và lên án hành động này “chỉ gây ra đổ máu.”

Theo BBC: “Người Hmong cũng bắt giữ một số cán bộ địa phương khi đưa ra yêu sách đòi tự do tín ngưỡng và lập vương quốc riêng.”

Chuyện người Hmong ở Mường Nhé “đòi lập vương quốc tự trị” có đúng vậy không hay chỉ là lời của quan chức địa phương mở đường cho đàn áp thẳng tay?

Nhưng ít nhất, người ta có thể hiểu về một phong trào đòi tự do tín ngưỡng ở các sắc dân thiểu số. Họ xưa nay đã bị dồn nén, đàn áp, cấm đạo mà tin tức chỉ được lộ ra rất rải rác.

Từ khẩu lệnh đến văn bản ép buộc người dân theo đạo Công Giáo và Tin Lành phải viết giấy cam kết bỏ đạo, các buổi lễ, sinh hoạt tôn giáo bị cấm cản gồm cả đánh đập, bắt bớ đã được tường thuật tuy không thấy hàng ngày nhưng cũng đủ hé ra cho thấy có đàn áp tôn giáo không ngừng nghỉ tại Việt Nam. Ðặc biệt là các khu vực xa xôi hẻo lánh.

Ngày 14 tháng 6, 2010, báo Công An Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Công An có bài viết bôi bác “Người dân huyện Mường Nhé (Ðiện Biên) chờ được lên... trời.”

Bài viết của CAND nói: “Lực lượng công an phát hiện một số người lén lút tụ tập ở các bản giáp biên... Xác minh được biết hầu hết là những đối tượng bất mãn, tiêu cực, thường xuyên vắng nhà không có lý do... Có hiện tượng này là do một số đối tượng tung tin lừa gạt người nhẹ dạ là sắp có người về đón bay lên... giời.”

Bài báo này kêu gọi người dân địa phương “không mắc mưu kẻ xấu.”

Tỉnh Ðiện Biên, theo thống kê dân số có khoảng 491,000 người gồm 21 sắc tộc. Tỉ lệ sắc tộc Thái khoảng 38%, kế đến là người Hmong với 30% và người Kinh chỉ chiếm 20%, sau đó là các sắc dân khác như Tày, Dao, Giáy, Hà Nhì, Lào, Cống, Si La...

Từ Hà Nội tới thành phố Ðiện Biên là 474km nhưng tới huyện Mường Nhé phải khoảng 700km.

Huyện Mường Nhé là một trong những huyện nghèo nhất trong 62 huyện nghèo trên cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo đói ở đây chiếm khoảng 66.18%.

Theo ông giáo Ðỗ Việt Khoa viết trên Blog của ông, hồi năm 2007, giáo viên ở Chua Ta huyện Mường Nhé đã lặn lội về Hà Nội tố cáo tham nhũng trong ngành giáo dục ở địa phương. Ông viết rằng: “Tiếc rằng giáo viên đó đã tốn công vô ích bởi cuộc chiến chống tham nhũng ở Chua Ta không bao giờ có kết quả.”



Các năm 2001 đến 2004, hàng chục ngàn các sắc tộc người Thượng biểu tỉnh ở các tỉnh Tây Nguyên đòi tự do tôn giáo và đất canh tác truyền thống đã bị đàn áp đẫm máu. Hàng ngàn người đã trốn vào rừng sâu hoặc chạy sang Cambodia xin tị nạn.

Nay mới chỉ có tin tức sơ khởi về sự chống đối nhà cầm quyền của người Hmong ở huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên.

Thống kê dân số của nhà cầm quyền cho thấy huyện Mường Nhé có khoảng 52,600 người với khoảng 36,800 người thuộc sắc tộc Hmong.
by LTSA

BÌNH DƯƠNG (TH) - Vợ và gia đình nạn nhân Nguyễn Công Nhựt chết trong tay công an huyện Bến Cát đã từ chối các số tiền phúng viếng của hãng vỏ xe Kumho cũng như của công an tỉnh Bình Dương “hỗ trợ mai táng.”


Tin của báo Pháp Luật cho biết, gia đình nạn nhân hôm 2 tháng 5 đã không nhận 20 triệu đồng gọi là “tiền hỗ trợ mai táng” của công an tỉnh Bình Dương.


Cha ruột của ông Nhật cũng đồng thời từ chối số tiền 20 triệu đồng phúng điếu của công ty Kumho, nơi con của ông làm việc trước khi bị bắt vào ngày 17 tháng 4, 2011.


Ông Nhật bị bắt vì tình nghi có liên can đến vụ thất thoát vỏ xe tại công ty Kumho trị giá 7 tỉ đồng.


Hơn 10 ngày trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ chết người tại trụ sở công an Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương, gia đình nạn nhân vẫn quyết liệt đòi đưa ra ánh sáng cái chết đầy uẩn khúc của người thân.


Người chết là Nguyễn Công Nhựt, 33 tuổi, trưởng phòng Quản Lý Sản Phẩm, công ty Kumho, sản xuất vỏ xe tọa lạc tại tỉnh Bình Dương.


Cái chết đột ngột của ông Nhựt để lại nhiều nghi vấn vì công an cung cấp bức thư tuyệt mạng của người chết bị nghi giả mạo; cũng như mãi 1 ngày sau mới cho gia đình hay tin mặc dù vợ của nạn nhân, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đến đồn công an xin gặp mặt chồng mỗi ngày 2 lần mà không được.


Ðáng nói là vợ của nạn nhân đã bị một thiếu tá, cán bộ điều tra tên Nguyễn Thành Phú, gạ gẫm đến khách sạn gặp riêng.


Chưa hết, nạn nhân được thông báo “chết vì thắt cổ” nhưng ở cổ tay, lưng bàn tay, lòng bàn tay và ngón tay đen bầm. Thân thể nạn nhân còn có nhiều vết bầm khác từ bụng đến háng, đùi...


Mặt khác, theo tiết lộ của bác sĩ pháp y bệnh viện Bình Dương với mẹ của nạn nhân thì thân thể nạn nhân có nhiều vết bầm tím, 2 tinh hoàn bị dập nát; chiếc quần đang mặc đẫm máu...


Ngay cả sợi dây mà công an nói nạn nhân đã dùng để siết cổ cũng không trùng khớp: người nói là dây sạc điện thoại, kẻ nói là dây nối camera...

Tin mới nhất của báo Người Lao Ðộng cho biết Thiếu Tá CSVN Nguyễn Thành Phú của Ðội Ðiều Tra Tổng Hợp Công An Thuận An đã bị ngưng chức vì nhiều lần gọi điện thoại gạ gẫm bà Thanh Tuyền đến khách sạn gặp gỡ...

Bà Tuyền đã công bố đoạn băng ghi âm dài hơn 9 phút ghi lại giọng điệu “gạ tình” của Nguyễn Thành Phú, mời mọc bà Tuyền vào khách sạn gặp riêng. Còn bức thư được cho là “thư tuyệt mạng của nạn nhân để lại,” bà Tuyền cho đó là thư giả mạo vì nét chữ không giống nhau; lời lẽ xưng hô cũng hoàn toàn xa lạ với kiểu viết của ông Nhật khi còn sống với vợ của mình.

Trước sự phản ứng quyết liệt của gia đình nạn nhân, sáng ngày 4 tháng 5, ông thiếu tướng giám đốc công an tỉnh Bình Dương mới lên tiếng hứa hẹn “xử lý theo đúng trình tự pháp luật.” Trước đó, ông chánh văn phòng Viện Kiểm Sát tỉnh Bình Dương đổ trách nhiệm cho công an huyện Bến Cát đã “giữ người vượt qui định.”
by LTSA

SÀI GÒN (TH) - Cà phê “ôm” dọc theo quốc lộ 1A trong tỉnh Long An nhiều năm qua nổi tiếng bị dẹp hoài mà không hết.


Chuyện này cũng giống như “cà phê sờ soạng” “tới bến” mọc đầy ở Sài Gòn được báo chí mô tả, kể cả địa điểm ở sát trụ sở công an thành phố.


Theo bản tin của báo Ðất Việt, thỉnh thoảng cũng bị rượt đuổi, bố ráp nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các quán cà phê “ôm” mọc lên trở lại, dọc theo quốc lộ 1A thuộc tỉnh Long An.


Các vị khách thường xuyên đến uống cà phê ở đây không nói rõ vì sao họ “mê” lui tới chốn này, nhưng ai cũng biết nhiều người đàn ông đã được tiếp viên thực hiện nhiều trò “kích dục.”


Theo nguồn tin, giá tiền “kích dục” là 100,000 đồng, tương đương với 5 Mỹ kim. Các cô tiếp viên phải chia lại một nửa cho chủ quán số thù lao “kích dục” nhận được từ mỗi ông khách.


Báo Ðất Việt cho biết, ngày 4 tháng 5, một cuộc bố ráp diễn ra nhắm vào một loạt quán cà phê nằm dọc theo quốc lộ 1A, từ quán Hằng Phát, Hồng Thắm... cho đến quán “Không Tên.” Ðột kích thình lình, người ta bắt quả tang cảnh các cô tiếp viên đang kích dục cho khách. Tại các quán massage, hát karaoke,... khách cũng có thể được kích dục theo yêu cầu.


Nhiều người cho biết: “Bắt thì bắt, nhưng rồi cũng phải thả người và mọi việc sau đó lại sẽ ‘vẫn như cũ.’”


Mặt khác, trong tháng 4 vừa qua, báo Người Lao Ðộng có nhiều bài viết liên tiếp về “cà phê thác loạn,” “cà phê sờ soạng” thấy tràn lan ở Sài Gòn.


Không những chỉ đầy ngập các quận Bình Tân, quận 11, báo Người Lao Ðộng hai tuần trước ngày 18 tháng 4, 2011 nói “cà phê thác loạn dường như mọc tràn lan khắp Sài Gòn.”


Theo bài viết này: “Ðường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú-Sài Gòn, một đoạn chỉ dài khoảng 700 m nhưng có đến 6 quán cà phê kích dục. Các quán này hoạt động rầm rộ từ 7 giờ đến 24 giờ mỗi ngày. Chỉ cần bỏ ra từ 100,000 đồng-120,000 đồng, khách vừa được uống nước vừa được tiếp viên 'chiều' tới bến.”


Tờ báo kể những địa điểm cà phê kích dục ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8; đường Ung Văn Khiêm, quận Gò Vấp; đường Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh ở Bình Thạnh.


Con đường Minh Phụng thuộc quận 11 “dài chưa đến 2km nhưng có đến gần chục quán cà phê thác loạn.” Có những quán “lúc nào cũng có khoảng 15 tiếp viên mặc đồ lót sẵn sàng ngồi sẵn chờ đón khách.”


Trong bài viết ngày 3 tháng 4, 2011, báo Người Lao Ðộng nói rằng: “Ðiều khó hiểu là hầu hết các quán cà phê trụy lạc nằm trên đường Minh Phụng, Lạc Long Quân, Hòa Bình hoạt động công khai gần trụ sở công an, UBND quận 11, thậm chí quán cà phê ‘tai tiếng’ Hoàng Lâm nằm sát vách trụ sở công an phường 10, quận 11 nhưng vẫn... an toàn.”
Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011 by LTSA

Tôi không muốn nói “sự bất nhân CỦA Hồ Chí Minh”, mà muốn nói “sự bất nhân Hồ Chí Minh”. Nói cách khác là “sự bất nhân mang tên Hồ Chí Minh”.

Hết chuyện xử bắn bà Nguyễn Thị Năm ‘ân nhân cách mạng’ ở Thái Nguyên, chuyện sát hại cụ Đặng Văn Hướng, một bộ trưởng trong chính phủ của ông Hồ, đến chuyện hãm hại các nhân sĩ trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm,… những câu chuyện về sự phản phúc của CSVN dưới triều đại Hồ Chí Minh cứ lần lượt được phơi ra ánh sáng.

Nay đến chuyện hạ sát ông Phạm Quỳnh, học giả danh tiếng và là đại thần triều Nguyễn.

Vô số chuyện về sự bất nhân của con người này cùng thuộc hạ của ông ta thì đã được nhiều người nói đến. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến những tư liệu do chính những người ngưỡng mộ ông Hồ cung cấp.

Lần này là bài viết mang tính nghiên cứu Về ngày “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc” để rồi “đi không bao giờ trở lại” của đại tá – tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan, được đăng trên Bauxite ViệtNam (boxitvn.wordpress.com).

Tôi sẽ không trích lại những câu chữ từ bài nói trên, vì quý độc giả có thể dễ dàng tìm đọc nó. Chỉ xin tóm tắt những ý chính của bài viết này. Nó nói lên ba điều. Điều thứ nhất có thể thấy ngay từ tiêu đề bài viết: Việt Minh lừa Phạm Quỳnh, nói là mời đi làm việc rồi ‘khử’ luôn. Điều thứ hai: Phạm Quỳnh là một nhà văn hóa lớn chứ không phải là một viên quan phong kiến bán nước như sách vở của CSVN từng rêu rao nhiều năm. Và điều thứ ba là ông Hồ không tán thành việc ‘khử’ ông Phạm Quỳnh.

Vậy đây là một bài viết để vạch trần tội ác và sự đểu cáng của CSVN, nhưng đồng thời vẫn bênh vực thủ lĩnh của nó. Chẳng biết vô tình hay cố ý, trong phần chú thích ông đại tá tiến sĩ đã để lộ ra một điều: ông Trần Huy Liệu, nhân vật thân cận bậc nhất của ông Hồ trong những thập niên 1940 – 1950, sau 15 năm kể từ ngày hạ sát Phạm Quỳnh, trong hồi ký của mình đã viết: “Ta đã xử lý thích đáng ngay nhiều tên tay sai của Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh.” Chẳng lẽ ông Hồ thì tôn trọng những nhân sĩ như Phạm Quỳnh mà vẫn để cho thuộc hạ của mình ‘giết nhầm’ rồi sau đó vẫn nói về những con người đó như nói về những tên tội đồ, những kẻ đáng khinh bỉ như thế sao?

Khi ca ngợi hoặc thanh minh cho ông Hồ, các ‘học giả’ VN vẫn thường vin vào những lời nói của ông ta để chứng minh ông là người yêu nước, nhân ái, nhìn xa trông rộng,… Nào “Bác đã nói thế này”, nào “Bác đã nói thế nọ”… Toàn những lời mới thoạt nghe thấy sao mà tử tế quá! Và đúng là nếu tin vào những lời nói đó thì ông ta quả là người như thế thật. Nhưng hãy nhìn vào những việc mà thuộc hạ của ông ta đã làm, và hãy chú ý đến việc ông ta không bao giờ nghiêm trị những kẻ giết người man rợ dưới trướng ông ta. Trong những trường hợp như vậy, ông ta chỉ nói ‘vuốt đuôi’ những câu để tỏ ra vô can, để khỏi bị người đời nhận ra chân tướng và nguyền rủa. Đó thực sự là một thái độ xảo trá và đê tiện.

Còn nếu quả thật ông ta không muốn làm những điều thất nhân ác đức mà ta thấy cấp dưới của ông ta đã làm thì ông ta là lãnh tụ kiểu gì vậy? Nếu đúng là ông ta không bao giờ ngăn nổi cấp dưới làm điều ác thì liệu ông ta có xứng đáng với lòng tin của cả một dân tộc hay không? Và nếu vậy thì phải gọi ông ta là gì đây, nếu không gọi là KẺ VÔ DỤNG?

TRẦN NAM CHẤN
by LTSA

Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) đã chấp thuận chương trình hỗ trợ 1 tỉ đô la cho một dự án ở Việt Nam nhằm nâng cao khả năng cung cấp nước sạch cho hơn 3 triệu gia đình.

Tân Hoa Xã trích dẫn một thông cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết như thế hôm thứ Tư.

Theo thông cáo này, dự án cấp quốc gia ở Việt Nam nhắm tới mục tiêu giảm thiểu tình trạng thất thoát nước sạch ở các khu vực đô thị xuống thấp hơn 20% vào năm 2020 và đưa các đô thị của Việt Nam lên ngang tầm với các đô thị khác của châu Á về khả năng cung cấp nước sạch.

Những chỉ tiêu mà dự án này đề ra là khoảng 90% hộ gia đình ở Việt Nam sẽ được cung cấp nước sạch vào năm 2020 và 100% vào năm 2025.

Nguồn: Dow Jones, mof.gov.vn
Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011 by LTSA

NGHỆ AN (DT) -Một chú rùa có hình dạng kỳ lạ được phát giác hồi 7 giờ sáng ngày 1 tháng 5 khi đang trôi tấp vào bờ biển Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.


Theo báo dân Trí, chú rùa dài 1.8m, thân ngang rộng 1m, nặng khoảng 4 tạ, trên mai có 8 đường kẻ sọc, ước chừng phải 8 thanh niên lực lượng mới đủ sức nhấc bổng. Một số ngư dân đã phải dùng dây thừng cột ngang thân, kéo chú lên bờ.


Người khám phá ra chú rùa đang nuôi giữ chú và ra giá 10 triệu đồng (khoảng 500 đô la) cho người muốn sở hữu chú rùa lạ. Ông Nguyễn Văn Hương, một ngư dân, nói chưa từng nhìn thấy con rùa có hình dáng kỳ lạ này.


Tài liệu trên mạng, theo báo Dân Trí nói rằng chú rùa đó là giống “luýt” - loại rùa biển lớn nhất thế giới, có thể dài đến 3m khi trưởng thành hoàn toàn.


Giống rùa “luýt” này đã có mặt trên hành tinh hơn 100 triệu năm trước và đang lâm vào tình trạng tuyệt chủng.


Hồi giữa tháng 2 vừa qua có một chú rùa “luýt” cũng giạt vào bờ biển Sumatra, Nam Dương.
Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011 by LTSA

SAIGON (VB) -- Ở Sài Gòn mấy năm gần đây, dù được trang trọng bày trong cửa hàng phục vụ khách du lịch hay chỉ xếp đống ở vỉa hè ngoài đường phố, hầu hết đồ gốm sứ mỹ nghệ đều là hàng Trung Quốc.
Thế mạnh của hàng Trung Quốc là giá rẻ, hoa văn đẹp nhưng lại mỏng, giòn nên dễ mẻ, sứt và vỡ.
Còn hàng nội với những thương hiệu lừng lẩy một thời như gốm sứ Bát Tràng, Hải Dương, Minh Long, Bình Dương… thì trở nên hiếm kỳ lạ, đặc biệt vắng bóng hẳn là loại sứ gốm đỏ của Vĩnh Long và Biên Hòa (Đồng Nai).
Người yêu mến đồ sứ mỹ nghệ, mỹ thuật của Đồng Nai khó quên là cách đây hơn 20 năm, các nghệ nhân gốm Biên Hòa đã rất thành công trong việc vẽ, khắc tranh dân gian như Mục đồng, Tố Nữ... trên chất liệu gốm, cũng như sản phẩm gốm đất nung (gốm đỏ) không phủ men mang vẻ đẹp tự nhiên, rất được thị trường ưa chuộng.
Một chủ tiệm bình gốm mỹ thuật ở khu Tân Định, quận 1 cho biết là hàng gốm sứ VN vẫn tồn tại nhưng do không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc nên gần như bỏ qua thị trường trong nước, như gốm Bát Tràng, Minh Long thì tập trung cho xuất khẩu với những mã hàng thật cao cấp và tinh xảo, còn gốm đỏ Vĩnh Long thì đa số chuyển qua làm gạch.
by LTSA

30/4/1975, ngày quốc hận ấy Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của người Việt quốc gia đã bị hạ xuống bởi những người Cộng Sản chiến thắng, từ ngày vắng bóng Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên quê hương miền Nam Việt Nam thì ngày đó không còn tự do. Trong ngày Quốc Hận 30/04 thứ 36 năm nay, cờ Vàng Ba Sọc Đỏ lại tung bay ở miền Tây do thanh niên sinh viên Cần Thơ treo lên ở thành phố Cần Thơ để nhớ lại những ngày sống trong không khí thanh bình của tự do của đời người.

Từ ngày lá cờ Đỏ Sao Vàng chiến thắng tung bay, là ngày mà người dân bắt đầu cuộc sống trong không khí đầy ngột ngạt, khó thở…thanh niên sinh viên Cần Thơ đâu có muốn hít thở không khí độc tài ngột ngạt ấy. Hôm nay những người Thanh Niên Sinh Viên Cần Thơ phải đi tìm không khí tự do ngày nào.

Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ biểu tượng của tự do bay trên đường phố Cần Thơ sau 36 năm vắng bóng. Chắc đồng bào Cần Thơ tim đập mạnh hồi hộp khi thấy bóng dáng biểu tượng này…đừng ngạc nhiên sẽ có ngày cờ này tung bay trước mọi nhà, trên đường phố, lúc ấy tràn đầy không khí tự do để hít thở.

Ngày này, 36 năm về trước cờ Vàng Ba Sọc Đỏ bị hạ xuống, giờ đây đang sừng sững trở về phất phới trên đường phố thơ mộng Cần Thơ. Thanh niên sinh viên Cần Thơ chỉ mong sao dân tộc Việt Nam được tự do và hạnh phúc. Tự do và hạnh phúc đích thực có được khi chế độ độc tài không còn ngư trị trên quê hương Việt Nam…mộng ước của tuổi trẻ bao giờ cũng ước mơ cho tương lai của dân tộc đi lên, mộng ước của người thanh niên sinh viên đến trường để mở rộng kiến thức, để có tầm nhìn ra xa thế giới văn minh không thể cúi đầu sống trong ao tù của nô lệ độc tài mãi mãi được…

Đêm nay cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay trên đường phố Cần Thơ là một biểu tượng tự do đang đến với đồng bào Cần Thơ, đang đến với người Việt….xin các bạn thanh niên sinh viên, xin mọi mọi người hãy đón nhận nó như một biểu tượng tự do chứ không phải của một kẻ thù như sự tuyên truyền thiếu lương thiện…

Lời của Thanh Niên Sinh Viên Cần Thơ treo Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ

http://thanhniensinhviencantho.tuoitreyeunuoc.com

Dưới đây là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tự do bay trên thành phố Cần Thơ 30/04/2011