Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011 by LTSA


voa - Trưa ngày thứ bảy 26 tháng 2 vừa qua, tại nhà Việt Nam nằm trên đường Hillwood, ở thành phố Falls Church của tiểu bang Virginia, nhóm có tên là Viet Toon cho ra mắt tập bưu thiếp đầu tiên của một loạt bưu thiếp lấy đề tài “Việt Nam Anh Hùng”. Hà Vũ đã có dịp trao đổi với ban chủ trương Viet Toon và những người tham dự trong buổi ra mắt này, mời quý vị theo dõi thêm chi tiết trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này.

Ba diễn giả chính trong buổi ra mắt tập bưu thiếp “Việt Nam Anh Hùng” là các anh Hoàng Vi Kha, Công Xuân Tùng và Ngô Huy Việt. 3 anh là sáng lập viên của nhóm Viet Toon, dùng hội họa để giảng dạy cho các em thiếu nhi Việt Nam cư ngụ tại Mỹ và các nơi khác trên thế giới về lịch sử Việt Nam xuyên qua các vị anh hùng dân tộc.

Anh Kha hiện là hiệu trưởng Trường Việt ngữ Thăng Long, thành viên của Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn cho biết là lúc anh vào khoảng 14, 15 tuổi khi còn ở Việt Nam, anh và các bạn trẻ thường thích xem phim bộ võ hiệp của Hong Kong được thực hiện dựa trên những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Kim Dung, với những nhân vật thời Tống, Minh của Trung Quốc. Sau khi xem những bộ phim này và so chiếu với lịch sử Việt Nam anh thấy Việt Nam còn có những nhân vật anh hùng hơn nữa. Anh nói:

“Có một lần sau khi xem bộ phim ‘Anh hùng Xạ điêu’, trên đường đi về bạn bè kháo với nhau nhân vật này, nhân vật kia, đột nhiên tôi mới suy nghĩ nhân vật Quách Tĩnh võ công cái thế như vậy đời nhà Tống nhưng khi qua đánh với Việt Nam mình vẫn thua. Trong bộ phim thứ hai Cô gái Đồ Long thời nhà Nguyên, có nhiều nhân vật võ công cái thế nhưng 3 lần qua đánh Việt Nam cũng thua luôn. Chứng tỏ họ càng đề cao những người anh hùng của họ bao nhiêu thì người anh hùng của mình cũng đâu có thua. Lúc đó tôi mới nói với một vài người bạn là tại sao mình không có những bộ phim, không có những câu chuyện để dựng lại những hình ảnh dân tộc đó.”

Anh Kha cho biết thêm là vốn đam mê về hội họa nên có một lần vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định xem những bức tranh của các danh họa thế giới vẽ về Napoleon, về những nhân vật thành Troy anh chợt nẩy sanh ý nghĩ là cần phải có những bức tranh của những nhân vật lịch sử như vậy để giáo dục cũng như khơi trí tò mò của người xem tranh:

“Nếu hội họa Việt Nam hoặc ngành chuyện tranh Việt Nam như vậy thì những thế hệ, bất cứ những thế hệ nào khi họ không có một khái niệm gì về sự kiện đó nhưng họ nhìn thấy, họ bị thâu hút thì họ sẽ tìm tòi, họ đọc đến.”

Anh Kha bắt đầu vẽ truyện bằng tranh cho các em thiếu nhi xem trong thời gian hai năm ở tại một trại tị nạn tại Thái Lan. Từ đó anh mới nhận ra rằng vấn đề giáo dục cần phải đi liền với giải trí thì thế hệ trẻ mới thích thú, tìm tòi.



Sang đến Mỹ anh Kha sinh hoạt trong nhóm trẻ Âu Cơ và xuất bản đặc san Lúa Mới. Anh được một thân hữu khuyến khích vẽ truyện tranh cho các em thiếu nhi. Tuy nhiên vấn đề chính yếu là làm sao các bức tranh thu hút được sự chú ý của các em. Vào khoảng năm 1993, 1994, tại nhà người bạn tên là Phương có một đứa bé chạy chơi trong nhà, vẽ được tranh nào anh đưa cho đứa bé xem. Anh nói:

“Vẽ được hình nào tôi đưa cho đứa bé xem nhưng nó nhìn rồi nó bỏ đi, nó không thấy thích thú. Anh Phương nói vậy là em thất bại rồi. Em phải làm sao nó chạy ngang nó nhìn thấy, nó đứng lại thì em mới thành công.”

Anh Kha để ý thấy em bé này thích các tranh truyện của Mỹ như Siêu Nhân, Người Nhện vì em cho là những bức tranh này toát ra sức mạnh, quyền lực. Do đó anh nghĩ là các tranh truyện lịch sử Việt Nam phải có sức sống, có sức mạnh và quyền lực. Anh Kha bắt đầu vẽ tranh về câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh và cho đứa bé xem. Anh Kha kể tiếp:

“Tôi vẽ ba bức đầu tôi để xuống nhưng không kêu đứa bé lại xem. Nó chạy vòng vòng nó dừng lại và hỏi ai vậy. Tôi trả lời ông này là người Việt Nam. Nó nói người Việt Nam sao mà oai quá vậy. Tôi thấy là mình bắt đầu có sự thu hút của thế hệ trẻ. Và tôi cứ ôm ấp mãi ý tưởng đó.”

Được sự khuyến khích của người bạn cũ là Công Xuân Tùng, anh Kha bắt đầu tìm hiểu về các câu chuyện lịch sử và thành lập ra Viet Toon. Anh Kha giải thích về mục đích của Viet Toon.

“Thứ nhất là làm mới lại hình ảnh của người anh hùng Việt Nam để thu hút thế hệ trẻ Việt Nam. Hiện nay ngành truyện tranh tại Việt Nam bị tranh của Tàu, lối vẽ 'Manhua' đánh tiêu hết. Tất cả tranh truyện Việt Nam muốn được thu hút phải vẽ theo lối 'Manhua' giống như những bức tranh Pokémon. Tôi thấy như vậy uổng quá hoạt họa Việt Nam không phải là không có tài nhưng họ phải vẽ theo xu hướng đó. Hiện giờ tôi làm việc với một vài họa sĩ Việt Nam thì họ nói phải vẽ theo xu hướng đó mới thu hút được. Trong khi đó ở bên Mỹ, ‘Manhua’ cũng qua tới Mỹ, cũng lên đài Fox… nhưng không đánh lại được hoạt họa Hoa Kỳ.”



Anh Kha cho biết thêm là anh thích lối vẽ của những phim hoạt họa của Walt Disney tức là biểu hiện những nhân vật như Bạch Tuyết, Cô bé Lọ Lem là những nhân vật đã có trong các tranh truyện từ xưa tại châu Âu nhưng thể hiện theo một nét vẽ mới, một phong cách mới mọi người đều ưa thích.

Anh Hoàng Vi Kha và anh Công Xuân Tùng cùng nhau thảo luận và tìm ra khoảng 40 nhân vật lịch sử Việt Nam kể từ thời An Dương Vương đến triều Nguyễn chống Pháp và vẽ theo một phong cách mới làm thế nào để thu hút người thưởng lãm, nhất là các em.

Để thể hiện một cách rõ nét những nhân vật lịch sử này, anh Kha và các bạn phải dồn công sức tìm hiểu lịch sử và những sự kiện hoặc truyền thuyết, tìm ra những nét tiêu biểu của nhân vật lịch sử đó để đưa vào bức vẽ. Anh Kha nêu lên ví dụ:

“Nói về Đức Trần Hưng Đạo ai cũng biết ông đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, ai cũng biết ông viết bài hịch tướng sĩ và một cuốn binh pháp nổi tiếng. Và ai là người sống ở Sàigòn đều thấy tượng Đức Trần Hưng Đạo chỉ xuống bến Bạch Đằng mà khoảng thời gian từ sau 1975 đến 1980 người dân thường nói đùa là ra đó Đức Trần Hưng Đạo kêu vượt biên đi. Hoặc như khi chúng tôi dựng lên những hình tượng như An Dương Vương, chúng tôi cố gắng đưa vào hình đó càng nhiều văn hóa, yếu tố lịch sử Việt Nam càng nhiều càng tốt như là thành Cổ Loa, câu chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy và con rùa cho móng chân để làm nỏ thần. Tôi muốn đưa những chi tiết đó vào một bức ảnh.”

Ngoài ra anh Kha và các bạn còn muốn đưa những nghi vấn lịch sử vào trong tranh để thế hệ mai sau nghiên cứu sưu tầm làm sáng tỏ thêm. Anh nói:

“Bên cạnh đó có những điều những nhà nghiên cứu sử đang tìm cách đòi lại. Ví dụ khi người Trung Hoa qua đánh chiếm Việt Nam thì muốn đồng hóa người Việt Nam thành ra tất cả những sử sách đều được lệnh tiêu hủy, nhất là thời Minh Thái Tổ, và những cái gì có vẻ là văn hóa của Việt Nam thì họ muốn làm thành văn hóa của họ. Chẳng hạn Kinh dịch nhiều nhà nghiên cứu sau này cho rằng chưa hẳn 100% của Trung Quốc. Những điều đó chúng tôi muốn đưa vào bức tranh để đặt một dấu hỏi cho những thế hệ sau này để họ nhìn vào và nói mình phải nên cẩn trọng, phải nên suy xét, phải nên tìm hiểu cho rõ ràng và khoan chấp nhận đó là của người Tàu.”

Ngoài những bưu thiếp nhóm Viet Toon còn làm những con tem cũng với hình ảnh các vị anh hùng dân tộc Việt Nam được bưu diện Mỹ chấp nhận để gởi ra cho người Việt trên toàn thế giới. Nhóm còn có ý định đưa những hình ảnh của bộ bưu thiếp vào sách giáo khoa của các trường Việt ngữ trong vùng để các em có thể giải thích được lịch sử Việt Nam, giải thích được tại sao các em tự hào là người Việt Nam.



Anh Công Xuân Tùng là chuyên viên tư vấn ngành IT, chủ nhân điều hành công ty Dreamvision LLC, thành viên ban giảng huấn trường Việt ngữ Thăng Long, một trong 3 người chủ chốt của nhóm Viet Toon cho biết là trên tấm bưu thiếp ngoài bức tranh về danh nhân lịch sử Việt Nam ở mặt trước, mặt sau được dành để giới thiệu nhân vật lịch sử này:

“Mặt sau có hai phần, phần trên tiếng Việt, phần dưới là tiếng Anh nói về nhân vật lịch sử này, thuộc đời nào.”

Anh Tùng cho biết đợt này nhóm giới thiệu 10 tấm bưu tiếp trong số 40 tấm dự trù thực hiện và nhóm Viet Toon hân hoan chào đón những người nào quan tâm đến việc truyền đạt văn hóa và lịch sử Việt Nam gia nhập nhóm để Viet Toon có thể mở rộng hơn nữa.

“Trong vòng một năm qua chúng tôi đã giữ Viet Toon này như một chương trình cộng đồng và nếu sau này chúng ta có thêm nhiều người góp tay vào thì dự án này có thể trở thành một nhóm bất vụ lợi chuyên về giáo dục, văn hóa, dùng hình ảnh hoạt họa để tạo ra những bộ bưu thiếp hoặc những truyện tranh song ngữ Anh Việt để qua đó giới thiệu văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam cho các em.”

Anh Ngô Huy Việt là luật sư cộng tác với công ty Luật Steptoe & Johnson, có con theo học Trường Việt ngữ Thăng Long phụ trách dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh để giới thiệu nhân vật lịch sử Việt Nam được in ở phía sau bưu thiếp cho biết anh hợp tác với hai anh Hoàng Vi Kha và Công Xuân Tùng vì mong muốn các con anh nói riêng và thế hệ trẻ nói chung sau này biết được lịch sử văn hóa Hoa Kỳ thì cũng cần biết được lịch sử và văn hóa Việt Nam:

“Hy vọng của tôi là mấy đứa con tôi đây đứa 6 tuổi, đứa 5 tuổi lớn lên nó có tự hào vì nó biết về George Washington đồng thời nó cũng biết về Lý Thường Kiệt một chút. Đương nhiên trong xã hội này, lớn lên ở đây rõ ràng mình phải giỏi tiếng Anh, biết về lịch sử Mỹ nhưng đồng thời mình biết chút xíu về lịch sử Việt Nam thì mình cảm thấy tự hào. Tôi suy nghĩ là trong tương lai hai đứa con tôi lớn lên ở đây hy vọng nó rất giỏi về xã hội này đồng thời nó cũng biết sơ sơ về văn hóa Việt Nam. Nếu mình thảy nó vào sông Mississippi nó cũng bơi được và đem nó về Việt Nam thảy vào sông Hồng thì nó cũng không chết chìm và cuối cùng trong tương lai nó thưởng thức đồ ăn Mỹ rất ngon thì nó cũng biết bún bò Huế ở Huế ngon dễ sợ thì đó cũng là một thành công lớn.”

Em Nguyễn Thúy Linh bắt đầu học tiếng Việt từ lúc 7, 8 tuổi cho biết là sách vở học tiếng Việt nếu có hình ảnh sinh động sẽ giúp các em đỡ buồn chán và thầy cô giáo giảng bài nếu có sách giáo khoa đi kèm sẽ giúp các em tiếp thu dễ dàng hơn.

“Sách dạy tiếng Việt nên có nhiều hình ảnh và màu mè giải thích lịch sử và văn hóa một cách đơn giản hơn. Năm nay các thầy cô giới thiệu cho chúng em một số thiệp, sách lịch sử có hình ảnh. Em nghĩ những thiệp và sách của nhóm Viet Toon sẽ giúp trẻ em thích học lịch sử và văn hóa Việt Nam vì lúc em học về Bà Triệu hay Ngô Quyền lúc nào em cũng thấy chán vì những câu chuyện không được lý thú lắm. Đặc biệt những tấm thiệp có nhiều hình ảnh đẹp em nghĩ trẻ em sẽ thấy thích hơn và học dễ hơn.”

Một khách tham dự nêu ra ý kiến về việc làm sao vẽ nên những nhân vật lịch sử cho chính xác, câu chữ sử dụng khi mô tả các nhân vật cũng phải căn cứ vào những tài liệu có thể tin cậy được.

“Theo tôi tất cả sử, tài liệu có thể dựa vào Hoàng Xuân Hãn là tốt nhất bởi vì có sách, có chứng và cả chữ Nôm, chữ Hán, tiếng Việt ông đã dịch ra hết rồi. Tất cả những nhân vật này trong 3 tuyển tập Hoàng Xuân Hãn đều có hết. Thành ra tôi nghĩ là khi chúng ta học sử chúng ta phải có sự kiện và sự kiện đó phải chính xác thì mới là thầy dạy sử được.”

Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam vùng Washington xin được kết thúc ở đây. Chúng tôi ước mong được đón nhận những tin tức về sinh hoạt cộng đồng từ những hội đoàn, những tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa và từ thiện cũng như của các cá nhân thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Xin gởi e-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com với tiêu đề gởi sinh hoạt cộng đồng vùng Washington. Hà Vũ sẽ liên hệ với quý vị.
Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011 by LTSA

SANTA ANA, California (NV) - Trong vụ kiện thứ nhì liên quan đến việc tranh chấp ở đài VHN-TV, một bồi thẩm đoàn vừa quyết định ông Bruce Trần, tổng giám đốc đài này phải bồi thường cho ông Quốc Thái hơn $1.6 triệu, tại phiên tòa kết thúc ở Santa Ana hôm Thứ Sáu.

Ông Quốc Thái vừa thắng kiện cộng sự của mình. (Hình: OC Register




Ông Bruce Trần phải bồi thường cho ông Quốc Thái (tên Mỹ là Thomas Nguyễn) $1,485,000, cộng với $150,000 tiền phạt, Luật Sư Trần Kinh Luân, đại diện ông Quốc Thái, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Ông Bruce Trần hiện là phó chủ tịch nội vụ Ban Ðại Diện Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California.

Nhật báo Người Việt có gọi điện thoại cho ông Bruce Trần và để lại lời nhắn, nhưng không thấy ông gọi lại.

Luật Sư Luân cho rằng đây là một thắng lợi mang lại danh dự cho thân chủ của ông cũng như phơi bày sự thật.

Ông nói: “Ðiều tôi tâm đắc nhất là lấy lại danh dự cho anh Thái và cho cộng đồng biết ông Bruce Trần là người như thế nào. Ông phải nhớ rằng đừng bao giờ chơi xấu cộng sự của mình.”

“Ông Bruce Trần bị tất cả ba tội gian lận, vi phạm thỏa thuận làm ăn và ăn cắp,” Luật Sư Trần Kinh Luân cho biết. “Và điểm đặc biệt là VHN-TV không thể khai phá sản sau vụ này.”

Ðây là vụ kiện thứ nhì xuất phát từ sự tranh chấp giữa hai ông Quốc Thái và Bruce Trần về chủ quyền đài VHN-TV.

Vụ kiện thứ nhất diễn ra năm 2007, khi ông Quốc Thái, cũng từng là tổng giám đốc VHN-TV, nộp đơn kiện hai người cộng sự cũ của mình là ông Bruce Trần và bà Suzanne Nguyễn, kế toán trưởng của đài, trong đó ông tố cáo hai người này âm mưu dùng thủ đoạn lừa lọc để chiếm đoạt đài truyền hình.


Ông Bruce Trần, tổng giám đốc đài truyền hình VHN-TV. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Ông Bruce Trần đã bác bỏ lời tố cáo này và tuyên bố ông Quốc Thái từng bị Hội Ðồng Quản Trị đài cách chức vì làm việc có hại cho đài.

Năm 2008, tòa phán quyết cả ba người đều sở hữu 30% cổ phần của đài và ông Bruce Trần phải bồi thường cho ông Quốc Thái $300,000.

Vụ kiện vừa chấm dứt hôm Thứ Sáu là vụ kiện thứ nhì, phát xuất từ phán quyết năm 2008.

Theo lời tố cáo của ông Quốc Thái, phía ông Bruce Trần sau khi thua kiện năm 2008 không những không bồi thường số tiền $300,000 mà còn khiến cho phần 30% của ông Quốc Thái bị rút xuống chỉ còn 3%.

“Ông Bruce Trần không trả số tiền này,” Luật Sư Luân nói. “Trong khi đó lại nói rằng công ty thiếu họ nửa triệu. Thế là họ lấy tiền, trong đó có cả cổ phần của anh Thái, và gia tăng số cổ phần của họ lên 96%. Cổ phần của thân chủ tôi từ 30% chỉ còn 3%.”

Số tiền bồi thường gần $1.5 triệu là phần 27% còn thiếu của ông Quốc Thái, dựa trên trị giá của VHN-TV là $5.5 triệu, theo Luật Sư Luân.

Khi được hỏi cảm tưởng sau phiên tòa, Luật Sư Luân đáp: “Kết luận 12-0 của bồi thẩm đoàn đã nói lên tất cả. Ðúng là Trời cao có mắt".