Nạn bạo lực học đường ở Việt Nam tăng vọt

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011 by: LTSA


VIỆT NAM (NV) - Các vụ chém giết, thanh toán đẫm máu giữa học sinh với nhau tăng vọt trong năm nay cho thấy bạo lực học đường tại Việt Nam đã trở thành nan đề khó lòng tháo gỡ.

Bản tin tổng hợp của báo Lao Ðộng liệt kê hàng loạt vụ án mạng xảy ra trong khuôn viên các trường học cho thấy tính chất ác liệt tràn lan trong giới học sinh nhỏ tuổi hiện nay.

Vụ vừa xảy ra chiều ngày 12 tháng 11 tại tỉnh Tiền Giang mà nạn nhân là một nữ sinh tên Lê Thị Thu Thảo bị bạn học đâm chết chỉ vì chút tị hiềm. Liền sau đó là vụ một học sinh lớp 8 đánh bạn đến chết vì dập lá lách tại tỉnh Hải Dương.

Hung thủ giết em Lê Thị Thu Thảo là Trần Thị Cẩm Thu 15 tuổi, học sinh lớp 10 trường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Thu thản nhiên cho biết vì “ghét” nên cầm dao nhọn cất trong cặp mang theo đi học đâm Thảo hai nhát khiến cô này thiệt mạng. Thảo học cùng cấp lớp, chung trường với Thu.

Vụ án mạng này cho thấy tính chất kích động mạnh không kém ở các nữ sinh, so với nam sinh.

Vụ án mạng khác xảy ra tại trường trung học Bưng Riềng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm một học sinh lớp 8 thiệt mạng. Hung thủ học lớp 9, mới 14 tuổi tên Lê Duy Tâm, học cùng trường với nạn nhân.

Một vụ nữa xảy ra tại trường Tiên Ðộng, tỉnh Hải Dương hôm 5 tháng 12. Sát thủ là Nguyễn Văn Ðạt 14 tuổi, lớp trưởng lớp 8B đã đánh một học sinh cùng lớp đến chết chỉ vì thất bại trong việc buộc bạn “không được nói chuyện trong lớp.”

Một cuộc hội thảo được Thành Ðoàn Hà Nội, tổ chức được giao trọng trách “giáo dục lý tưởng cho tuổi trẻ Việt Nam,” tổ chức tại Hà Nội đã mổ xẻ vấn đề này. Một số giảng viên đại học, cán bộ công an và vài nhà tâm lý xã hội học đều xác nhận tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam đã đến mức báo động đỏ.

Một ông tiến sĩ trường Ðại Học Quốc Gia Hà Nội đã đổ thừa “lối sống ích kỷ, a dua, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa ngoại lai” là nguyên nhân gây nên tình trạng trên.

Một tài liệu nghiên cứu khác cũng nói rằng có sự liên hệ giữa hành vi bạo lực của con cái với hành vi ứng xử của cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày. Tài liệu này nói tóm lại khẳng định rằng “cha mẹ dữ thì sinh con dữ.”

Tuy nhiên, theo dư luận xã hội thì có một nguyên nhân khá quyết định là cái gốc đạo đức đã bị xói mòn trầm trọng trong xã hội Việt Nam. Một nhà xã hội học cho rằng nếu nói con hư tại cha mẹ, thì người ta sẽ đặt vấn đề rộng hơn là cha mẹ hư là do xã hội. Ông này nói rằng trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay, khung cảnh xã hội lại là môi trường quyết định việc hình thành nhân cách và phẩm chất con người.

Ðiều này khá đúng khi so với thực tế cuộc sống hiện nay tại Việt Nam: cạm bẫy thì nhiều mà chỗ dựa để con người tránh được cạm bẫy quá ít; người xấu thì đông còn người tốt giúp họ phát triển tính nhân bản thì “không thấy đâu.”

Filed under: